Viêm tụy cấp: Cẩm nang dành cho mọi người

 

Gần đây Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận một số lượng đáng báo động các trường hợp viêm tụy cấp, trong đó không ít người bệnh nhập viện trong tình trạng nặng, có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Viêm tụy cấp (acute pancreatitis) là tình trạng viêm cấp tính của tuyến tụy, cơ quan nằm sâu trong ổ bụng, giữ vai trò quan trọng trong hoạt động tiêu hóa và điều tiết đường huyết. Bệnh khởi phát đột ngột, có thể diễn tiến nhẹ hoặc nặng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Hiểu rõ triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Hình 1: Hình dạng và vị trí tuyến tụy trong cơ thể. Nguồn: Stanford Medicine.

 


LÀM SAO ĐỂ BIẾT BẢN THÂN MẮC VIÊM TUỴ CẤP?

Triệu chứng đặc trưng của viêm tuỵ cấp là đau bụng dữ dội ở thượng vị (giữa bụng, ngay dưới mũi ức), thường lan ra sau lưng. Đau bụng có thể âm ỉ hoặc quặn thắt, tăng khi nằm ngửa, giảm khi cúi người về phía trước. Người bệnh thường buồn nôn, nôn nhiều lần, không giảm đau sau khi nôn, cảm giác đầy bụng, khó trung tiện. Khi có sốt, mạch nhanh, huyết áp giảm, tức là dấu hiệu cảnh báo viêm nặng nguy cơ vào suy đa cơ quan, nhất là suy tuần hoàn.

 

Trường hợp nặng có thể xuất hiện da xanh tái, yếu mệt, xuất hiện vết bầm quanh rốn (dấu Cullen) hoặc hai bên hông (dấu Grey-Turner).

Hình 2:  A. Vết bầm máu quanh rốn, dấu Cullen, B. Vết bầm máu bên hông, dấu Grey-Turner. Nguồn: CMJA.


Các triệu chứng kể trên dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với các bệnh khác như rối loạn tiêu hoá, viêm dạ dày, … làm trì hoãn thời gian đi khám. Người có nguy cơ mắc viêm tuỵ cấp thường uống rượu nhiều, có tiền sử sỏi mật, dùng thuốc gây tổn thương tụy. Khi thăm khám bụng ghi nhận bụng căng chướng, có thể đau khu trú vùng thượng vị hoặc khắp bụng khi ấn, có dấu hiệu viêm phúc mạc. Xét nghiệm máu như định lượng amylase, lipase trong đó lipase đặc hiệu và tăng kéo dài hơn so với amylase; các xét nghiệm như CRP dùng để theo dõi đánh giá mức độ viêm, procalcitonin để đánh giá nhiễm trùng và biến chứng nặng. Người bệnh sẽ được siêu âm ổ bụng đánh giá hình thể tuỵ, tìm sỏi mật, dịch trong ổ bụng. Chụp cắt lớp vi tính (CT) bụng có cản quang tiêu chuẩn vàng để đánh giá tổn thương và nên thực hiện sau 48-72 giờ nếu nghi ngờ hoại tử, ổ tụ dịch tuỵ.

Hình 3: Thủ thuật nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP). Nguồn: empendium.com

Nguyên nhân thường gặp nhất là sỏi mật chiếm 40–70% (sỏi kẹt ống mật chủ, trào ngược dịch mật vào ống tụy) và lạm dụng rượu lâu ngày làm tổn thương tế bào tụy (20–30%). Các nguyên nhân khác như thuốc và độc chất (ví dụ azathioprine, thiazide, valproate, …), tăng triglyceride máu, kích hoạt phản ứng viêm, nhiễm trùng (virus Coxsackie, HIV, …), chấn thương bụng, can thiệp ERCP (nội soi mật tụy ngược dòng), tăng calci máu.

Hình 4: Chế độ ăn nhiều dầu mỡ và uống nhiều rượu bia. Nguồn: hewwl.com.vn và thanhnien.vn

ĐIỀU TRỊ VIÊM TUỴ CẤP – NGƯỜI BỆNH CẦN BIẾT

Sau khi nhập viện sẽ được theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn (mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở), bù dịch, dùng thuốc giảm đau, tạm nhịn ăn đường miệng để tuỵ "nghỉ ngơi", sau đó có thể bổ sung dinh dưỡng qua sonde hoặc đường tiêu hóa thấp. Kiểm soát biến chứng cấp bằng dùng kháng sinh khi có nhiễm trùng, dẫn lưu dịch tụy bằng can thiệp qua da hoặc nội soi nếu ổ dịch lớn hoặc hoại tử nhiễm khuẩn.

Khi người bệnh giảm đau, bắt đầu bằng thức ăn lỏng như cháo, súp và chia thành nhiều bữa nhỏ; hạn chế dầu mỡ, đường tinh chế, tăng chất xơ. Tán sỏi hoặc cắt túi mật sau khi bệnh ổn định. Ngưng rượu hoàn toàn, tư vấn và hỗ trợ cai nghiện. Dùng thuốc giảm mỡ máu và điều chỉnh chế độ ăn nếu người bệnh tăng triglyceride máu. Bổ sung men tụy nếu có rối loạn tiêu hóa mỡ; theo dõi và phòng ngừa đái tháo đường thứ phát.

Người bệnh nhẹ (chiếm ~80%) hồi phục sau 3–7 ngày, tỷ lệ tử vong < 1%. Người bệnh nặng có suy tạng hoặc hoại tử, tỷ lệ tử vong 10–30% phụ thuộc vào mức độ suy tạng nếu không được xử trí kịp thời; dễ phát triển biến chứng mạn tính. Yếu tố góp phần tiên lượng xấu như tuổi cao, bệnh lý nền (suy tim, thận, đái tháo đường), hoại tử nhiều, đến bệnh viện muộn.

XUẤT VIỆN CHƯA PHẢI LÀ KẾT THÚC

Sau khi được điều trị ổn định viêm tuỵ cấp và các biến chứng cấp, người bệnh được xuất viện về nhà và hẹn tái khám định kỳ để theo dõi, tầm soát và điều trị các biến chứng mạn tính có thể xảy ra:

1. Nang giả tụy (pseudocyst)

Triệu chứng: đau nhẹ, chướng bụng.

Theo dõi: siêu âm/CT nếu kích thước < 6 cm và không triệu chứng.

Can thiệp: dẫn lưu qua nội soi (EUS-guided) hoặc vật lý qua da khi nang 6 cm nếu tồn tại 6 tuần kèm triệu chứng hoặc gây chèn ép/biến chứng.

2. Hoại tử nhiễm khuẩn – áp xe tụy

Triệu chứng: sốt kéo dài, đau bụng tái phát.

Điều trị: kháng sinh thấm tốt vào mô hoại tử, dẫn lưu qua da hoặc nội soi; chỉ định phẫu thuật có thể trì hoãn, thường sau ≥ 4 tuần khi các phương pháp ít xâm lấn không hiệu quả

3. Suy tụy ngoại tiết

Biểu hiện: tiêu chảy phân mỡ, sụt cân.

Điều trị: men tuỵ; bổ sung vitamin tan trong dầu (A, D, E, K).

4. Đái tháo đường thứ phát

Theo dõi: kiểm tra đường huyết thường xuyên, HbA1c mỗi 3–6 tháng.

Điều trị: tiêm insulin linh hoạt theo bữa; duy trì cân nặng và vận động để tăng độ nhạy insulin.

5. Đau mạn tính sau viêm tụy

Điều trị: NSAIDs, tramadol, gabapentin hoặc amitriptyline; can thiệp thần kinh giao cảm; vật lý trị liệu, châm cứu hỗ trợ giảm đau.

6. Di chứng khác

Hẹp ống tụy chủ: nong hoặc đặt stent qua nội soi.

Thiếu vitamin, khoáng chất: bổ sung theo kết quả xét nghiệm.

Hỗ trợ tâm lý: giảm lo âu, trầm cảm do bệnh lý mạn tính.

VIÊM TUỴ CẤP CÓ THỂ PHÒNG NGỪA?

  1. Hạn chế rượu bia: không quá 2 đơn vị cồn/ngày (1 đơn vị ≈ 30 mL rượu 40%).
  2. Dinh dưỡng hợp lý: giảm dầu mỡ, đường tinh chế; tăng rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt.
  3. Kiểm soát rối loạn mỡ máu và canxi: kiểm tra định kỳ, điều trị sớm.
  4. Phát hiện sỏi mật: siêu âm định kỳ nếu có yếu tố nguy cơ (béo phì, đái tháo đường, dùng thuốc tránh thai).
  5. Thận trọng khi dùng thuốc: trao đổi với bác sĩ về thuốc có thể gây viêm tụy.

KẾT LUẬN

Viêm tụy cấp là bệnh lý cần điều trị khẩn cấp nhưng có thể hồi phục hoàn toàn nếu:

  • Nhận biết sớm triệu chứng: đau bụng dữ dội, nôn ói kéo dài.
  • Chẩn đoán kịp thời và điều trị theo phác đồ.
  • Theo dõi và điều trị lâu dài, xử trí biến chứng mạn tính.
  • Điều chỉnh lối sống: ngưng rượu, chế độ ăn lành mạnh và thăm khám định kỳ.

Hãy lắng nghe cơ thể, sinh hoạt lành mạnh, chủ động thăm khám khi có dấu hiệu bất thường. Chúc bạn và gia đình luôn dồi dào sức khỏe!

 

Hành trình cứu người bệnh nguy kịch do đột quỵ 2 lần trong vòng 48 giờ
Điều trị đột quỵ cấp sau diễn tập – Thành quả thiết thực của đào tạo và phối hợp tuyến cơ sở
Trào ngược dạ dày thực quản: Khi Nội Tiêu hóa và Tai Mũi Họng gặp nhau
Sức khoẻ - hành trang không thể thiếu của người lữ khách
Cứu sống người bệnh suy hô hấp nguy kịch  Do ngộ độc tetradotoxin nặng sau khi ăn nhầm so biển
Bệnh viện Nhân dân 115 yêu cầu xử lý những thông tin không đúng sự thật đăng tải trên mạng xã hội
Bạn đọc Báo Người Lao Động tiếp sức bệnh nhân viêm tụy cấp
Bệnh viện Nhân dân 115 nói “Hello World!” với Trí thông minh nhân tạo (AI)
Cứu sống người bệnh tràn mủ màng ngoài tim hiếm gặp - Diễn tiến âm thầm và sức chống chọi của người bệnh trước khi nhập viện
Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cứu thành công người Nga bị đột quỵ
Social Zalo Zalo Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube