Ngày 12/03/2025, Khoa Nội Tiêu Hóa, Bệnh viện Nhân Dân 115 đã tổ chức hội nghị khoa học với chủ đề "Nội soi viên nang – Bệnh viêm ruột". Chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia tiêu hóa, cập nhật những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh viêm ruột (IBD), bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
Hội nghị có sự hiện diện của TS BS CK2 Lê Thị Tuyết Phượng – chuyên gia tiêu hóa hàng đầu tại Bệnh viện Nhân Dân 115, cùng với các báo cáo viên là trưởng, phó khoa Nội Tiêu Hóa như BS CK2 Trương Thị Ái Phương và ThS BS CK2 Trần Kinh Thành. Đặc biệt, sự kiện quy tụ gần 200 cán bộ, nhân viên y tế từ các bệnh viện và cơ sở y tế tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành lân cận, tạo nên một diễn đàn khoa học sôi nổi và giàu giá trị thực tiễn.
Nội soi viên nang kết hợp trí thông minh nhân tạo – Công nghệ đột phá trong chẩn đoán bệnh tiêu hóa
Tại hội nghị, ThS BS CK2 Trần Kinh Thành nhấn mạnh những tiến bộ vượt bậc của nội soi viên nang, đặc biệt khi kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa. Đây là phương pháp tiên tiến, ít xâm lấn, không cần gây mê, giúp bệnh nhân có trải nghiệm thoải mái mà vẫn đảm bảo độ chính xác cao.
Nội soi viên nang hiện đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các tổn thương ruột non, đặc biệt ở bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa không rõ nguyên nhân, bệnh Crohn, polyp ruột và tổn thương do NSAIDs. Việc ứng dụng AI giúp tăng độ chính xác trong phát hiện tổn thương, rút ngắn thời gian đọc kết quả và hỗ trợ sàng lọc sớm ung thư tiêu hóa.
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn tồn tại một số hạn chế như không thể sinh thiết hoặc can thiệp điều trị, đồng thời có nguy cơ kẹt viên nang ở những bệnh nhân bị hẹp ruột. Để làm rõ hơn về tính ứng dụng trong thực tế, ThS BS CK1 Nguyễn Trọng Mẫn Đạt đã trình bày hai trường hợp lâm sàng sử dụng nội soi viên nang kết hợp AI trong chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa tại ruột non, giúp xác định chính xác tổn thương và điều trị thành công.
Liệu pháp sinh học – Hướng đi mới trong điều trị IBD
Một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị là bài báo cáo của TS BS CK2 Lê Thị Tuyết Phượng về liệu pháp sinh học trong điều trị IBD. Chuyên gia nhấn mạnh, đây là xu hướng mới giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, đặc biệt với những bệnh nhân có mức độ trung bình đến nặng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, điều trị bằng thuốc sinh học từ sớm giúp giảm biến chứng, hạn chế nguy cơ phẫu thuật và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Trong đó, nhóm thuốc ức chế TNF (Anti-TNF) được đánh giá có hiệu quả cao đối với các trường hợp biến chứng phức tạp. Ngoài ra, Ustekinumab, một liệu pháp sinh học thế hệ mới, đã chứng minh tác dụng vượt trội, đặc biệt với những bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc sinh học trước đó.
Ustekinumab không chỉ mang lại hiệu quả điều trị cao mà còn có ưu điểm an toàn, ít tác dụng phụ và có thể được sử dụng đơn trị liệu. Điều này mở ra thêm nhiều lựa chọn điều trị tối ưu cho bệnh nhân IBD trong tương lai.
Cá nhân hóa điều trị – Chìa khóa thành công trong kiểm soát IBD
Về chiến lược điều trị IBD, BS CK2 Trương Thị Ái Phương nhấn mạnh, cần đánh giá toàn diện nhiều yếu tố, từ đó mới đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Các yếu tố cần đánh giá như:
- Tình trạng hoạt động của bệnh
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh
- Mức độ lan rộng
- Nguy cơ biến chứng
- Tiền sử điều trị
- Đặc điểm cá nhân của từng bệnh nhân
Cá nhân hoá phác đồ điều trị là yếu tố rất quan trọng, bác sĩ cần xem xét các yếu tố như tuổi tác, bệnh đồng mắc, khả năng đáp ứng thuốc, chi phí và mong muốn của bệnh nhân. Quan trọng hơn, cần có kế hoạch theo dõi và điều trị bệnh dài hạn để đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu, kiểm soát bệnh tốt hơn và giảm nguy cơ biến chứng.
Sự kiện đã mang lại nhiều giá trị thực tiễn, mở ra hướng đi mới trong quản lý và điều trị bệnh viêm ruột mạn, hứa hẹn tiếp tục cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe tiêu hóa trong tương lai.