1. TỔNG QUAN VỀ MỀ ĐAY
"Mề đay" là thuật ngữ y học để chỉ tình trạng nổi mề đay. Mề đay là những vùng da gồ lên hoặc phù nề, kèm theo ngứa dữ dội.
Mề đay là một tình trạng rất phổ biến. Khoảng 20% người từng bị nổi mề đay vào một thời điểm nào đó trong đời.
Mề đay xuất hiện khi có một phản ứng kích hoạt các tế bào miễn dịch trong da gọi là tế bào mast. Khi được kích hoạt, những tế bào này giải phóng các hóa chất tự nhiên. Một hóa chất quan trọng là histamine, gây ngứa, đỏ và sưng da ở một vùng nhất định: gọi là mề đay. Trong hầu hết các trường hợp, mề đay xuất hiện đột ngột và biến mất trong vòng vài giờ.
Mề đay thường đáp ứng tốt với điều trị, bao gồm dùng thuốc và tránh các tác nhân kích hoạt mề đay.
2. TRIỆU CHỨNG MỀ ĐAY
Biểu hiện trên da — Mề đay là những vùng da gồ lên kèm theo ngứa dữ dội. Mề đay có thể có màu đỏ trên làn da sáng màu. Những thay đổi về màu sắc có thể khó nhận thấy trên làn da tối màu. Trong một số trường hợp, các vùng gồ lên sẽ to ra và hợp nhất lại với nhau. Ngứa thường là triệu chứng khó chịu nhất của mề đay, có thể nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến công việc và giấc ngủ.
Đau dữ dội, những đốm giống bóng nước chứa máu và bầm tím trên da không phải là biểu hiện điển hình của mề đay. Nếu bị nổi mề đay kèm theo sốt và đau khớp cũng không phải là biểu hiện điển hình. Những triệu chứng này gợi ý một tình trạng khác gọi là viêm mạch dạng mề đay, cần điều trị khác.
Phù mạch — Có tới một nửa số người bị mề đay cũng sẽ phát triển tình trạng gọi là phù mạch. Phù mạch tương tự mề đay nhưng xảy ra ở các lớp da sâu hơn. Mề đay và phù mạch có thể xảy ra cùng lúc.
Các triệu chứng của phù mạch bao gồm:
● Phù nề ở mặt, mí mắt, tai, miệng, tay, chân và bộ phận sinh dục
● Sưng thường ảnh hưởng đến một bên cơ thể hoặc một bên bị ảnh hưởng nặng hơn.
● Cảm giác đầy hoặc khó chịu ở vùng bị sưng
● Da hơi đỏ, mặc dù cũng có thể bình thường về màu sắc
Mề đay là một phần của phản ứng dị ứng nghiêm trọng — Mề đay cũng có thể xuất hiện như một phần của phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn. Cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt nếu bị nổi mề đay hoặc phù mạch đột ngột, kèm theo các triệu chứng khác như: Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp phản vệ đều có mề đay, và không phải nổi mề đay là luôn phản vệ.
● Khó thở
● Cảm giác thắt cổ họng
● Buồn nôn hoặc nôn
● Đau bụng quặn thắt
● Ngất xỉu
3. CÁC LOẠI MỀ ĐAY
Mề đay được phân loại dựa trên thời gian kéo dài của nó. Mề đay có thể là:
● Cấp tính < 6 tuần
● Mạn tính kéo dài > 6 tuần
● Mề đay do kích thích (bị kích hoạt bởi các yếu tố vật lý như nóng, lạnh hoặc ánh nắng)
Khi mới bị nổi mề đay, sẽ không thể biết nó sẽ kéo dài bao lâu, do đó không thể biết là mề đay cấp tính hay mạn tính.
Mặc dù tất cả các loại mề đay trông có vẻ giống nhau, nhưng chúng thường có các yếu tố kích hoạt khác nhau. Biết được yếu tố kích hoạt mề đay có thể giúp phòng tránh chúng.
a. Mề đay cấp tính — Hầu hết các trường hợp mề đay là cấp tính và sẽ không kéo dài quá vài ngày đến một hoặc hai tuần. Các tác nhân gây mề đay cấp tính có thể bao gồm:
● Nhiễm trùng – Một số người có thể bị mề đay do nhiễm trùng. Trên thực tế, nhiễm virus gây ra hơn 80% các trường hợp mề đay cấp ở trẻ em. Nhiều loại virus có thể gây mề đay (ngay cả virus gây cảm lạnh thông thường). Mề đay thường xuất hiện khi hệ miễn dịch bắt đầu loại bỏ virus, đôi khi sau khi bệnh đã bắt đầu một tuần hoặc lâu hơn. Mề đay thường kéo dài một đến hai tuần rồi biến mất.
● Thuốc – Nhiều loại thuốc có thể gây mề đay, bao gồm kháng sinh và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen. Các thuốc giảm đau (ví dụ: codeine và morphine), thuốc giãn cơ được sử dụng trong gây mê, và thuốc cản quang tiêm tĩnh mạch dùng trong các thủ thuật hình ảnh cũng có thể gây mề đay.
● Côn trùng đốt – Nọc độc của một số loại côn trùng (ong, ong vò vẽ, kiến lửa...) có thể gây mề đay quanh khu vực bị đốt. Nếu bị nổi mề đay toàn thân sau khi bị côn trùng đốt, đây có thể là dấu hiệu của phản ứng nghiêm trọng gọi là sốc phản vệ. Sốc phản vệ phải được điều trị ngay lập tức.
● Dị ứng thực phẩm – Dị ứng thực phẩm có thể gây mề đay cấp ở một số người. Mề đay liên quan đến thực phẩm thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau khi ăn. Thực phẩm thường gây mề đay ở trẻ em bao gồm sữa, trứng, đậu phộng, các loại hạt khác, đậu nành và lúa mì. Ở người lớn: cá, động vật có vỏ, đậu phộng và các loại hạt.
● Tiếp xúc vật lý – Mề đay có thể xảy ra sau khi chạm vào một số chất nếu bị dị ứng với chúng. Ví dụ, trẻ bị dị ứng với chó có thể bị nổi mề đay nếu chó liếm vào. Các yếu tố khác có thể bao gồm: thực vật, trái cây tươi, rau sống, latex (trong bóng bay, găng tay, bao cao su...).
b. Mề đay mạn tính — Mề đay mạn tính xảy ra hàng ngày hoặc gần như hàng ngày và kéo dài hơn sáu tuần, đôi khi kéo dài trong nhiều năm. Mề đay mạn tính có thể gây khó chịu vì chúng tái đi tái lại và có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, công việc hoặc học tập. Mề đay ảnh hưởng đến ngoại hình và có thể khiến người xung quanh lo lắng khi tiếp xúc.
Tuy nhiên, cần nhớ:
● Mề đay không lây
● Mề đay mạn tính hiếm khi là vĩnh viễn; gần 50% người hết mề đay trong vòng một năm.
● Mề đay mạn tính hiếm khi do dị ứng và không nguy hiểm tính mạng
● Các triệu chứng khó chịu của mề đay mạn tính có thể điều trị được ở hầu hết trường hợp.
Trong hầu hết các trường hợp mề đay mạn tính, nguyên nhân không rõ. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng vấn đề ở hệ miễn dịch đóng vai trò.
Mề đay có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý khác hoặc bệnh tự miễn, bao gồm bệnh tuyến giáp, gan, nhiễm trùng mạn tính hoặc lupus. Hầu hết những người mắc những bệnh này sẽ có thêm các triệu chứng khác ngoài mề đay.
c. Mề đay do kích thích — Mề đay có thể bị kích hoạt bởi nhiều yếu tố vật lý:
● Tiếp xúc với lạnh – Mề đay thường xuất hiện khi da lạnh bắt đầu ấm trở lại
● Thay đổi nhiệt độ cơ thể hoặc đổ mồ hôi – Mề đay nhỏ, nhiều và nổi trên nền da đỏ
● Rung động – Lòng bàn tay có thể đỏ, sưng và ngứa sau khi cầm tay lái máy cắt cỏ
● Áp lực muộn – Mề đay ở lòng bàn tay hoặc bàn chân xuất hiện vài giờ sau khi mang vật nặng hoặc đi bộ lâu
● Tập thể dục – Mề đay xuất hiện khi tập thể dục có thể là dấu hiệu của tình trạng nguy hiểm gọi là sốc phản vệ do tập thể dục
● Ánh nắng hoặc nước – Hiếm gặp
Một số yếu tố như thuốc NSAID, rượu, stress… không trực tiếp gây mề đay nhưng có thể khiến bệnh nặng hơn hoặc khó kiểm soát.
Cuối cùng, có một tình trạng phổ biến gọi là ‘da vẽ chữ’ (dermographism) – người bị sẽ xuất hiện vết đỏ gồ nếu da bị gãi hoặc miết mạnh.
Mề đay do kích thích thường kéo dài và được coi là một dạng mề đay mạn tính.
4. XÉT NGHIỆM MỀ ĐAY:
Hầu hết người bị mề đay không cần xét nghiệm. Chẩn đoán chủ yếu dựa trên triệu chứng và khám lâm sàng. Tuy nhiên, có thể cần xét nghiệm nếu mề đay không khỏi sau sáu tuần.
Xét nghiệm — Test da để phát hiện dị ứng thực phẩm và thuốc có thể được chỉ định nếu nghi ngờ dị ứng là nguyên nhân, chủ yếu với mề đay cấp. Mề đay mạn hiếm khi do dị ứng.
Xét nghiệm máu đôi khi được chỉ định nếu mề đay kéo dài trên sáu tuần để phát hiện bệnh lý nền (tuyến giáp, tự miễn, nhiễm trùng...).
Sinh thiết da — Sinh thiết da (lấy mẫu da nhỏ) có thể giúp xác định nguyên nhân không phổ biến. Được khuyến nghị nếu người bệnh có mề đay mạn kèm triệu chứng khác (sốt kéo dài, mề đay đau, từng nốt kéo dài nhiều ngày, mề đay kèm bầm tím), hoặc có xét nghiệm máu bất thường.
5. ĐIỀU TRỊ MỀ ĐAY
Điều trị bao gồm tránh các yếu tố kích hoạt và dùng thuốc.
Tránh yếu tố kích hoạt — Bước đầu tiên là xác định yếu tố kích hoạt và tránh tiếp xúc. Ngay cả khi không tìm được nguyên nhân, mề đay thường tự khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần.
Kháng histamine — Thuốc kháng histamine giúp giảm ngứa. Hầu hết người bị mề đay đáp ứng với kháng histamine, có thể cần liều cao.
Có nhiều loại kháng histamine, khác nhau về tác dụng phụ, chi phí, thời gian tác dụng và nhu cầu kê toa:
● Kháng histamine không gây buồn ngủ – Ưu tiên dùng vì ít tác dụng phụ, thường chỉ cần dùng 1–2 lần/ngày.
• Loratadine
• Cetirizine
• Fexofenadine
• Levocetirizine
● Kháng histamine thế hệ cũ – Tác dụng nhanh, hiệu quả, một số cần kê toa. Nhược điểm: dùng 4–6 lần/ngày và nhiều tác dụng phụ (buồn ngủ, khô miệng, mờ mắt, bí tiểu...). Không nên dùng khi lái xe, vận hành máy móc. Có thể giảm tác dụng phụ nếu bắt đầu từ liều thấp.
• Diphenhydramine
• Chlorpheniramine
• Cyproheptadine
● Kháng histamine khác – Nhóm này thường dùng điều trị trào ngược, có thể phối hợp khi một thuốc không đủ:
• Famotidine
• Cimetidine
● Kháng histamine gây buồn ngủ nhiều – Dùng vào ban đêm, giúp ngủ ngon hơn khi ngứa nhiều.
• Hydroxyzine
Thuốc steroid đường uống — Dùng khi kháng histamine không kiểm soát được triệu chứng cấp. Prednisone có thể giúp giảm nhanh triệu chứng nặng. Khi cải thiện, giảm dần và ngưng thuốc. Không nên dùng lâu dài do nhiều tác dụng phụ. Chỉ dùng ngắn hạn và theo chỉ định bác sĩ; không dùng tự ý do nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng.
Thuốc khác — Nếu không đáp ứng với các điều trị trên, có thể dùng thêm:
• Montelukast – phối hợp với kháng histamine để giảm ngứa
• Omalizumab – tiêm hàng tháng, chỉ định cho trường hợp khó điều trị, thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Cần thận trọng với tác dụng phụ về hành vi hoặc tâm thần như thay đổi tâm trạng, mất ngủ...
An toàn thuốc trong thai kỳ — Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định mang thai, hãy trao đổi với bác sĩ để chọn phương án điều trị an toàn.
Tài liệu tham khảo: Saini S. Patient education: Hives (urticaria) (Beyond the Basics). In: Callen JP, Hussain Z, Feldweg AM, editors. UpToDate. Waltham (MA): UpToDate Inc.; 2024 Nov 15 [cited 2025 Apr 3]. Available from:
ThS. BS Phạm Ngọc Trâm – Khoa Khám và điều trị theo yêu cầu – Bệnh viện Nhân Dân 115.