Lợi ích của gừng trong cuộc sống là như thế nào?

Gừng (Zingiber officinale) là một trong những loại gia vị và dược liệu được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước châu Á. Từ hàng nghìn năm nay, gừng đã được coi là một trong những phương thuốc tự nhiên được sử dụng thường xuyên trong Y học cổ truyền.

Đặc tính của gừng

Gừng theo Y học cổ truyền gọi là khương, sinh khương, can khương. Tên khoa học của gừng là Zingiber officinate Rosc, thuộc họ Gừng Zingiberaceae.

Khương (Rhizoma Zingiberis) là thân rễ của cây gừng tươi hoặc khô. Tùy theo tươi hay khô, vị thuốc mang tên khác nhau: sinh khương là củ, thân và rễ tươi còn can khương là thân rễ phơi khô. Gừng là một loại cây nhỏ, sống lâu năm, cao 0,60 đến 1m. Thân rễ mẫm lên thành củ, lâu dần thành xơ. Lá mọc so le, không cuống, có bẹ, hình mác dài 15-20cm, rộng chừng 2cm, mặt bóng nhẵn, gân giữa hơi trắng nhạt, vò có mùi thơm.

Gừng được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy củ ăn và làm thuốc. Muốn có gừng tươi (sinh khương) thường đào củ vào mùa hạ và thu. Cắt bỏ lá và rễ con, rửa sạch là được. Muốn giữ gừng tươi lâu phải đặt vào chậu phủ kín đất lên. Khi dùng đào lên rửa sạch. Mùa đông, đào lấy những thân rễ già, cắt bỏ lá và rễ con, rửa sạch, phơi khô sẽ được can khương.

Thành phần hóa học

Gừng chứa nhiều thành phần hóa học có hoạt tính sinh học, trong đó quan trọng nhất là các hợp chất thuộc nhóm phenolic và terpene. Những hợp chất này không chỉ góp phần tạo nên hương vị cay nồng đặc trưng của gừng mà còn mang lại các tác dụng dược lý quan trọng.

Hợp chất Phenolic

Hai hợp chất phenolic chính được tìm thấy trong gừng là gingerol và shogaol. Gingerol là hợp chất chịu trách nhiệm chính cho vị cay của gừng tươi, trong khi shogaol hình thành khi gừng được sấy khô hoặc nấu chín. Cả hai hợp chất này đều đã được chứng minh là có nhiều tác dụng sinh học, bao gồm khả năng chống viêm, chống oxy hóa, và chống ung thư.

Hợp chất Terpene

Gừng cũng chứa nhiều hợp chất terpene như zingiberene, β-bisabolene, và α-farnesene. Những hợp chất này có mặt trong tinh dầu gừng, đóng góp vào hương thơm đặc trưng và cũng có nhiều tác dụng dược lý, bao gồm kháng khuẩn và chống viêm.

Các thành phần khác

Ngoài các hợp chất phenolic và terpene, gừng còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin B6, vitamin C, magiê, và kali. Các enzyme tiêu hóa như zingibain cũng được tìm thấy trong gừng, có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu hóa.

Công dụng của gừng trong Y học cổ truyền

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi:

Sinh khương vị cay, tính hơi ôn, vào ba kinh phế, tỳ và vị. Có tác dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, làm hết nôn, tiêu đờm, hành thủy giải độc. Dùng chữa ngoại cảm, biểu chứng, bụng đầy trướng, nôn mửa, giải độc bán hạ, nam tinh, cua cá, đờm ẩm sinh ho. Sinh khương dùng với liều 3-6g dưới dạng sắc hay thuốc pha hoặc rượu gừng (mỗi ngày 2-5ml).

Can khương vị cay, tính ôn, bào khương (can khương bào chế rồi) vị cay đắng tính đại nhiệt. Vào 6 kinh tâm, phế, tỳ, vị, thận và đại tràng. Có tác dụng ôn trung tán hàn, hồi dương, thông mạch, dùng chữa thổ tả, bụng đau, chân tay lạnh, mạch nhỏ, hàn ẩm suyễn ho, phong hàn thấp tỳ. Can khương dùng khi bị lạnh mà đau bụng, đi tiêu lỏng, mệt lả, nôn mửa. Liều sử dụng như sinh khương.

Trong đời sống hằng ngày, gừng là một vị thuốc giúp tiêu hóa, dùng trong những trường hợp kém ăn, ăn uống không tiêu, nôn, đi ngoài, cảm mạo, phong hàn làm thuốc ra mồ hôi, chữa ho mất tiếng.

Một số bài thuốc sử dụng gừng

Trị cảm mạo phong hàn: Tía tô 10g, kinh giới 10g, bạc hà 10g, bạch chỉ 6g, địa liền 6g, vỏ quýt 6g, sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang trong 3 ngày.

Trị nôn mửa thuộc hư hàn: Can khương, nhân sâm, bán hạ, các vị bằng nhau, tán bột, trộn nước gừng làm viên, mỗi lần uống 6-9g, ngày 3 lần (Can Khương Nhân Sâm Bán Hạ Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Trị phụ nữ băng huyết: Can khương 6g, tông bì và ô mai đều 9g. Tất cả đốt cháy đen tán bột uống (Như Thánh Tán- Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Ấm tỳ cầm tả: chữa tiêu chảy vì tỳ hàn, phân loãng không thối, sôi bụng đau thắt: gừng nướng (bào khương) 60g, giã, rang, bọc bằng vải đắp lên rốn (phủ trên huyệt đan điền), đặt trong 1-2 giờ.

Ấm phổi dịu ho, dùng khi khí lạnh vào phổi gây ho hen: phục linh 12g, cam thảo 4g, ngũ vị tử 4g, can khương 4g, tế tân 2g. Sắc uống.

Trị hội chứng bệnh thiếu dương (nóng lạnh xen kẽ, ngực sườn đầy tức, chán ăn, buồn nôn, tâm phiền): Sài hồ 12g, hoàng cầm 8g, bán hạ 8g, đảng sâm 8g, sinh khương 8g, chích thảo 4g, đại táo 4 quả (Tiểu sài hồ thang – Thương hàn luận)

Lưu ý khi sử dụng gừng

Mặc dù gừng là một vị thuốc có nhiều lợi ích cho sức khỏe, được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày. Nhưng vẫn có một số lưu ý khi sử dụng: can khương vị cay nên người âm hư có nhiệt, có thai không nên dùng. Vì cay nên tán khi tẩu huyết, uống lâu tổn hại tới phần âm, thương tổn mắt. Ngoài ra những chứng âm hư nội nhiệt, ho do âm hư, nôn ra máu kèm biểu hư có nhiệt, tự ra mồ hôi, mồ hôi trộm, đi tiêu ra máu, mửa do nhiệt, đau bụng do hỏa nhiệt đều không nên dùng.

Tài liệu tham khảo

1. GS Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, trang 366.

2. Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, trang 876.

3. Ali, B. H., Blunden, G., Tanira, M. O., & Nemmar, A. (2008). Some phytochemical, pharmacological and toxicological properties of ginger (Zingiber officinale Roscoe): A review of recent research. Food and Chemical Toxicology, 46(2), 409-420.

4. Grzanna, R., Lindmark, L., & Frondoza, C. G. (2005). Ginger—an herbal medicinal product with broad anti-inflammatory actions. Journal of Medicinal Food, 8(2), 125-132.

5. Nurtjahja-Tjendraputra, E., Ammit, A. J., Roufogalis, B. D., Tran, V. H., & Duke, C. C. (2003). Effective anti-platelet and COX-1 enzyme inhibitors from pungent constituents of ginger. Thrombosis Research, 111(4-5), 259-265.

BS.CKII Đinh Thị Thanh Nhàn - Trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng

Sốc nhiệt – khi cơ thể “quá tải” Vì nhiệt độ ☀️🔥
“Ma tuý nước biển” - Hiểm hoạ khôn lường
Chào mừng Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/03/1931 - 26/03/2025)
Vỡ tinh hoàn hy hữu do tai nạn sinh hoạt
Hệ lụy từ que thử đường huyết hết hạn
Sự thật hay hoang đường? Những quan niệm sai lầm về ung thư đại tràng khiến nhiều người trễ mất cơ hội cứu sống
Vai trò của nội soi viên nang kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán viêm ruột
Những lưu ý khi chơi pickleball
OUCRU tổ chức đào tạo chăm sóc đặc biệt cho nhân viên y tế
Bệnh viện Nhân dân 115 ký kết hợp tác chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Long An
Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Nhân dân 115: “Điểm tựa” vững chắc, lan tỏa yêu thương
Social Zalo Zalo Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube