Không nhận biết dấu hiệu phản vệ do thuốc, người bệnh tiếp tục uống liều thứ hai và rơi vào tình trạng nguy hiểm

Vừa qua, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiếp nhận và xử trí thành công một trường hợp phản vệ nghi do thuốc, giúp người bệnh thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

Bỏ qua dấu hiệu cảnh báo – Suýt nguy kịch vì phản vệ

Người bệnh là nam giới, khoảng 40 tuổi, xuất hiện triệu chứng đau hông lưng kèm sốt nhẹ và tự mua thuốc uống (không rõ loại). Sau liều đầu tiên, anh nhận thấy có nổi mề đay nhẹ trên da, nhưng do không biết đây có thể là dấu hiệu sớm của phản vệ, anh tiếp tục uống liều thứ hai.

Ngay sau đó, các triệu chứng sưng môi, lưỡi, nổi mề đay lan rộng, khó thở xuất hiện nghiêm trọng hơn. Nhận thấy tình trạng nguy cấp, người bệnh lập tức được đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115 để cấp cứu.

 

Hình 1. Biểu hiện da niêm hay gặp ở phản vệ: nổi mề đay và phù nề niêm mạc

Xử trí kịp thời, ngăn chặn diễn tiến suy hô hấp

Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ xác định đây là tình huống phản vệ độ 2 nghi do thuốc, có nguy cơ tiến triển thành suy hô hấp đe dọa tính mạng. Ngay lập tức, người bệnh được tiêm bắp Adrenaline, tiêm mạch corticoid kèm kháng histamin. Nhờ can thiệp kịp thời, tình trạng phù nề môi, lưỡi giảm dần, cảm giác khó thở được cải thiện nhanh chóng. Sau 48 giờ theo dõi tích cực, người bệnh ổn định và được xuất viện an toàn.

Phản vệ – một tình trạng nguy hiểm, không thể chủ quan

Phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc với thuốc, thực phẩm, nọc côn trùng hoặc các tác nhân khác [1,2]. Tình trạng này có thể tiến triển rất nhanh, dẫn đến suy hô hấp hoặc sốc phản vệ, đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời[1,2].

Trường hợp người bệnh ở trên là một lời cảnh báo về mối nguy hiểm của việc tự ý sử dụng thuốc mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào sau khi dùng thuốc, đặc biệt là các dấu hiệu nghi ngờ phản vệ, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Đặc biệt, nếu đã từng bị phản vệ với một loại thuốc nào đó, tuyệt đối không sử dụng lại, vì phản vệ lần sau thường nghiêm trọng hơn lần trước.

Các triệu chứng phản vệ thường gặp bao gồm[1]:

  • Da – niêm mạc: Phát ban, nổi mề đay, phù môi, lưỡi, mắt
  • Hô hấp: Khó thở, khò khè, co thắt thanh quản
  • Tuần hoàn: Hạ huyết áp, chóng mặt, ngất
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy
  • Thần kinh: Lo lắng, rối loạn ý thức

Hãy bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng cách sử dụng thuốc an toàn và không chủ quan với các dấu hiệu bất thường! Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất hoặc Bệnh viện Nhân dân 115 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Tài liệu tham khảo:

  1. Simons, F Estelle R, et al. (2011), "World Allergy Organization anaphylaxis guidelines: summary", Journal of Allergy and Clinical Immunology. 127(3), pp. 587-593. e22.
  2. “Hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ”, thông tư số 51/2017/TT-BYT

 

 

ThS.BS.CKI Nguyễn Hữu Tín

 

Điều trị đột quỵ cấp sau diễn tập – Thành quả thiết thực của đào tạo và phối hợp tuyến cơ sở
Trào ngược dạ dày thực quản: Khi Nội Tiêu hóa và Tai Mũi Họng gặp nhau
Sức khoẻ - hành trang không thể thiếu của người lữ khách
Cứu sống người bệnh suy hô hấp nguy kịch  Do ngộ độc tetradotoxin nặng sau khi ăn nhầm so biển
Bệnh viện Nhân dân 115 yêu cầu xử lý những thông tin không đúng sự thật đăng tải trên mạng xã hội
Bạn đọc Báo Người Lao Động tiếp sức bệnh nhân viêm tụy cấp
Bệnh viện Nhân dân 115 nói “Hello World!” với Trí thông minh nhân tạo (AI)
Cứu sống người bệnh tràn mủ màng ngoài tim hiếm gặp - Diễn tiến âm thầm và sức chống chọi của người bệnh trước khi nhập viện
Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cứu thành công người Nga bị đột quỵ
Viêm tụy cấp: Cẩm nang dành cho mọi người
Ứng dụng kỹ thuật hiện đại trong điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Nhân dân 115
Social Zalo Zalo Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube