Không biết bị đứt dây chằng

Người bệnh, nam ở TP.HCM là người bệnh mới được phẫu thuật nối dây chằng tại khoa Điều trị theo yêu cầu và Y học thể thao Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM). Người bệnh cho biết tháng 7 năm ngoái trong một lần đá bóng, khi bị chấn thương anh nghe khớp gối của mình kêu một tiếng rắc rất giòn, sau đó đầu gối sưng vù, đau và không co lại được. Sau đó chỉ uống một vài loại thuốc, đầu gối bớt sưng và giảm đau dần nên anh nghĩ mình đã khỏi. Hơn một năm nay Người bệnh vẫn đi lại được nhưng rất khó đi khi lên cầu thang và không thể chơi thể thao được.

Gần đây, anh cảm nhận chân mình ngày càng yếu đi, teo lại và bắt đầu đau nhức mà không rõ nguyên nhân. Mãi tới lúc khám ở Bệnh viện Nhân dân 115 để kiểm tra mới biết mình bị đứt dây chằng khớp gối khá lâu. Bệnh viện phải phẫu thuật nối dây chằng bằng phương pháp nội soi.

Hình ảnh chụp MRI - cho thấy đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước

Hình ảnh: cho thấy dây chằng đã được tái tạo qua nội soi

Theo BS.CKII Ngô Thành Ý – Phó Trưởng khoa - Khoa Điều trị theo yêu cầu – Y học thể thao cho biết: đứt dây chằng khớp gối khi chơi thể thao là chấn thương có xu hướng gia tăng. Điều đáng lưu ý có rất nhiều người không hề biết mình bị đứt dây chằng. Bởi vì khi bị đứt dây chằng khớp gối chỉ sưng một thời gian, sau đó hết sưng và người bệnh vẫn đi lại được, không có biểu hiện đau nhiều, chỉ khó khăn trong chơi thể thao và vận động mạnh. Biểu hiện đau nhức chỉ xuất hiện khi các phần xung quanh khớp gối như sụn chêm, sụn khớp bị tổn thương.

Ngoài ra dây chằng và cơ có tác dụng giữ cho khớp gối được vững chắc, dây chằng đóng vai trò đến 70% trong việc giữ vững khớp gối. Trong số các dây chằng quanh khớp gối thì dây chằng chéo trước đóng vai trò chủ lực, chịu tải nhiều nhất nên rất dễ bị đứt khi gặp những va chạm. Nếu dây chằng đứt mà không được phẫu thuật tái tạo kịp thời thì khớp gối sẽ bị xộc xệch, lâu ngày khớp sẽ dần bị tổn thương và thoái hóa nghiêm trọng.

Muốn tránh, chớ nhậu!

BS.CKII Ngô Thành Ý cho biết ngày càng nhiều người có điều kiện chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, đối với người chơi thể thao không đúng cách, không có phương tiện bảo vệ khi chơi, sân bãi và thời gian chơi cũng không phù hợp thì rất dễ dẫn đến chấn thương, trong đó có đứt dây chằng. Để hạn chế bị đứt dây chằng, ngoài việc khởi động kỹ và đúng cách để gân cũng như cơ sẵn sàng vào cuộc, nên chơi thể thao vào buổi sáng hoặc giờ chính, tránh chơi buổi trưa hoặc buổi tối, vì khi đó cơ thể đang mệt mỏi cần được nghỉ ngơi. Sau khi chơi thể thao nên đi lại nhẹ nhàng, thả lỏng để đưa cơ thể về trạng thái ổn định rồi mới chuyển qua hoạt động khác.

Một thói quen phổ biến của nhiều người chơi thể thao là sau khi chơi thường rủ nhau đi nhậu lai rai. Đây là một thói quen không những ảnh hưởng xấu cho các bộ phận cơ thể như tim mạch, não, thận, gan... mà còn làm cho cơ mệt mỏi. Khi cơ mệt mỏi, nhiệm vụ giữ vững khớp gối dồn hết “trách nhiệm” cho dây chằng, làm dây chằng ngày càng yếu đi và rất dễ bị đứt dù chỉ gặp những va chạm nhẹ.

Một số lưu ý

Khi va chạm mà nghe tiếng rắc trong khớp, không thể đi lại bình thường, khớp bắt đầu sưng lên và đau cần nghĩ ngay đến đứt dây chằng.

Gặp tình huống này cần nhanh chóng chườm đá lạnh, nẹp gối cố định và đến bác sĩ để được thăm khám. Tuyệt đối không thoa dầu nóng hay đắp thuốc lá vào chỗ sưng vì sẽ làm mạch máu tại đó giãn ra, gây nên tình trạng chảy máu nhiều hơn, thậm chí có thể gây bỏng da do quá nóng.

“Có nhiều người bệnh bị đứt dây chằng nhưng không đến bác sĩ mà ở nhà tự ý đắp thuốc lá. Khi đến bệnh viện thì vùng da ở chỗ chấn thương đã bị bỏng”, bác sĩ Ý chia sẻ.

Khi người bệnh được xác định đứt dây chằng, các bác sĩ sẽ tiến hành mổ để tái tạo dây chằng. Hiện phương pháp mổ nội soi được áp dụng chủ yếu. Hai ngày sau khi phẫu thuật người bệnh có thể xuất viện, đi lại được, nhưng để phục hồi hoàn toàn thì cần tập phục hồi chức năng sáu tháng sau phẫu thuật.

Những bài tập này được các bác sĩ hướng dẫn và lên lịch hợp lý. Sau thời gian tập phục hồi chức năng, người bệnh nên đến bác sĩ kiểm tra xem mình có thể chơi thể thao được hay chưa vì việc phục hồi còn tùy từng người khác nhau.

Cuối cùng BS.CKII Ngô Thành Ý nhấn mạnh: có ba đối tượng không nên phẫu thuật tái tạo dây chằng. Đó là người trên 60 tuổi, người có các bệnh nội khoa chống chỉ định với phẫu thuật vì khi mổ có thể gây ra những tai biến. Trẻ em dưới 15 tuổi, ở độ tuổi này băng sụn tiếp hợp đang phát triển, nếu phẫu thuật sẽ làm lệch chiều cao giữa hai chân. Những trường hợp này nên dùng nẹp để gối vững hơn, có chương trình tập luyện riêng, tạo điều kiện cho cơ và các dây chằng khác xung quanh khớp gối mạnh lên. Với trường hợp trẻ em, khi đã trưởng thành có thể phẫu thuật để tái tạo dây chằng.

Vai trò của nội soi viên nang kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán viêm ruột
Những lưu ý khi chơi pickleball
OUCRU tổ chức đào tạo chăm sóc đặc biệt cho nhân viên y tế
Bệnh viện Nhân dân 115 ký kết hợp tác chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Long An
Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Nhân dân 115: “Điểm tựa” vững chắc, lan tỏa yêu thương
Bệnh viện Nhân dân 115 - Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn hợp tác chuyên môn nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh
Truy bắt “kẻ chạy trốn” trong cột sống – Cuộc săn lùng nghẹt thở tại Bệnh viện Nhân Dân 115
WORLD KIDNEY DAY – NGÀY THẬN THẾ GIỚI
Tổng đài đặt lịch, hẹn giờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115
Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp đón đoàn chuyên gia quốc tế, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và điều trị chuyên sâu
Social Zalo Zalo Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube