Ông H. kể: “Nào giờ ở quê tui toàn điều trị đau dạ dày, kế tới là trị nhiễm trùng đường ruột. Cứ vô bệnh viện huyện, rồi lên bệnh viện tỉnh, đỡ đau thì về nhà, chừng đau nữa lại vô viện tiếp. Đi tới đi lui hết mấy tháng trời!”.
Sau khi chữa trị nhiều nơi, bệnh nhân T.N.H.
đã được Bệnh viện Nhân dân 115 tìm ra đúng bệnh: nhiễm giun lươn
BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình, Phụ trách khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: Bệnh nhân T.N.H. có hội chứng nhiễm trùng nên được chuyển đến khoa chúng tôi. Khi nhập viện, ông H. bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn điện giải, cứ ăn vào là ói nên cơ thể suy kiệt nặng. Ông H. được làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm phân… và xác định nguyên nhân là do nhiễm giun lươn”.
Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân H. được nâng đỡ thể trạng thì tình trạng rối loạn điện giải và suy dinh dưỡng cải thiện rất nhiều. Tuần qua, ông được xuất viện và chỉ cần tái khám theo hẹn.
Theo BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình, khoa Bệnh nhiệt đới tiếp nhận khá nhiều những trường hợp nhiễm giun lươn mà trước đó chạy chữa nhiều nơi không tìm ra bệnh.
BS Bình từng tiếp nhận một cụ ông 83 tuổi ở huyện Nhà Bè (TPHCM), cả năm trời điều trị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, cơ thể suy kiệt chỉ còn da bọc xương. Người nhà nghi ông bị lao phổi hay ung thư, đưa đến khoa Bệnh nhiệt đới. Thấy bệnh nhân cứ ăn vào là ói, BS Bình quyết định nội soi dạ dày cho ông cụ thì phát hiện giun lươn.
3 tuần trôi qua, giun lươn không còn nhưng bệnh nhân vẫn suy kiệt, huyết áp tụt do hậu quả ký sinh trùng này để lại quá nặng nề. Vì giun làm loét đường tiêu hóa nên ông nôn ói suốt, phải nuôi ăn qua sonde dạ dày. Sau 2 tháng tích cực nâng đỡ thể trạng, cụ ông khỏe mạnh, hồng hào, về với gia đình trong niềm vui được tái sinh, bởi trước đó, tưởng mình không qua khỏi, ông đã lập di chúc sẵn sàng.
Qua những trường hợp này, BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Bình
khuyến cáo mọi người nên xổ giun định kỳ vì ở Việt Nam khí hậu nhiệt đới thuận
lợi cho các loại giun sán phát triển, lại thêm việc ăn các thực phẩm không được
rửa sạch, nấu chín, dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Nhất là các gia đình có nuôi chó
mèo, gia súc gia cầm, sử dụng các nguồn nước tự nhiên như ao hồ, sông suối…
càng nên chú trọng việc xổ giun và cẩn thận trong vệ sinh ăn uống.
Bệnh giun lươn là do nhiễm giun lươn Strongyloides stercoralis (2 - 2,5 x 30 - 50 mm). Các triệu chứng chính của bệnh là do sự ký sinh của giun trưởng thành, chủ yếu ở tá tràng và hỗng tràng, hoặc do ấu trùng di trú qua phổi và các tổ chức dưới da. Có tới 30% số người nhiễm bệnh không có triệu chứng. Thời gian từ khi ấu trùng dạng sợi xâm nhập qua da cho đến khi ấu trùng xuất hiện trong phân là 3 - 4 tuần. Một hội chứng cấp đôi khi được nhận biết, khi các triệu chứng ngoài da, thường ở chân, được nối tiếp bằng các triệu chứng phổi và sau đó là các triệu chứng đường ruột. Tuy nhiên, bệnh nhân thường có các biểu hiện mạn tính (kéo dài hoặc tái phát từng đợt) tồn tại hàng năm hoặc suốt đời. Do giun lươn có thể sinh sản trong cơ thể người, điều trị cần được tiếp tục cho đến khi giun bị loại trừ hết. |
Kim Quy