Cấp cứu kịp thời một trường hợp rối loạn nhịp tim dọa ngưng tim do bỏ chạy thận định kỳ

Chạy thận nhân tạo là phương pháp điều trị quan trọng giúp người bệnh suy thận mạn duy trì sự sống và cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc tuân thủ lịch chạy thận định kỳ không chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng mà còn ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Tăng Kali máu ở người bệnh thận mạn là một trong những biến chứng vô cùng nguy hiểm, một trường hợp nguy kịch do tăng kali máu ở người bệnh thận mạn vừa được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Nhân dân 115. Đây là lời cảnh báo quan trọng đối với những người đang chạy thận nhân tạo.

Tình huống cấp cứu đầy kịch tính

Người bệnh nam, 61 tuổi, có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối, tăng huyết áp, đái tháo đường típ 2, duy trì chạy thận nhân tạo 3 buổi/tuần vào các ngày thứ 3, 5, 7. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân, người bệnh đã bỏ buổi chạy thận vào ngày thứ 5. Tối thứ 6 trước ngày nhập viện, người bệnh xuất hiện tình trạng đi tiêu phân đen ồ ạt, kèm theo khó thở và đau bụng, phải nhập viện tại một cơ sở y tế địa phương. Sau đó, tình trạng trở nặng và người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng bứt rứt, khó thở, nhịp tim chậm chỉ còn 25 lần/phút, huyết áp khó đo, độ bão hòa oxy trong máu 96%.

Hình 1: Điện tâm đồ lúc nhập viện

Cấp cứu kịp thời – Giành lại sự sống trong gang tấc

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ nhận định nguy cơ tăng kali máu nặng, nhất là khi người bệnh đã bỏ chạy thận trước đó. Người bệnh được xử trí theo phác đồ điều trị tăng kali máu, nhịp tim nhanh chóng tăng từ 25 lên 40 lần/phút, huyết áp dần ổn định hơn.

Xét nghiệm máu cho thấy kali máu lên đến 7.68 mmol/L – một mức nguy hiểm có thể gây ngừng tim đột ngột. Người bệnh lập tức được chạy thận cấp cứu, sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khỏe dần cải thiện và được xuất viện an toàn.

Hình 2: Điện tâm đồ sau điều trị tăng kali

Tăng Kali máu – Mối nguy hiểm cần cảnh giác

Tăng kali máu là một trong những biến chứng nguy hiểm của suy thận mạn, có thể gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Làm thế nào để phòng tránh?

  • Tuân thủ lịch chạy thận nghiêm ngặt, không tự ý bỏ buổi chạy thận.
  • Nhận diện sớm các dấu hiệu nguy hiểm của tăng Kali máu như: nhịp tim chậm, mệt mỏi, yếu cơ,... đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng bất thường.
  • Gia đình hỗ trợ người bệnh trong việc duy trì chế độ ăn hợp lý, hạn chế thực phẩm giàu kali như các loại trái cây khô, chuối, cam, khoai tây, rau lang, rau muống, sầu riêng….
  • Việc tuân thủ điều trị giúp người bệnh tránh khỏi những tình huống nguy kịch và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Khoa Cấp cứu, Khoa Nội Thận – Miễn dịch ghép - Bệnh viện Nhân dân 115

Cấp cứu thành công trường hợp rung thất do nhồi máu cơ tim cấp
Hiến Tạng Từ Người Hiến Chết Não – Câu Chuyện Về Lòng Nhân Ái Và Hành Trình Tiếp Nối Sự Sống Tại BVND115
Bệnh viện Nhân dân 115 góp mặt tại Hội nghị Khoa học Toàn quốc Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam lần thứ 25
Sở Y tế TP.HCM: Hình thành trung tâm điều trị đột quỵ chuyên sâu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn
Cấp cứu thành công xuất huyết tiêu hóa nguy kịch
Chung tay vì người bệnh
Sức khỏe mùa nắng nóng
Gãy xương vùng háng ở người lớn tuổi: Hiểu đúng để điều trị hiệu quả
Tuyên truyền, hướng dẫn an toàn lao động thang máy
Phát Động Phong Trào Thi Đua Yêu Nước, Bảo Đảm Trật Tự, An Toàn Giao Thông Năm 2025
Thói quen uống rượu ngâm cao trăn gây rối loạn cương nặng phải đặt thể hang nhân tạo
Social Zalo Zalo Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube