Cảnh báo ngộ độc nguy hiểm do nhầm lẫn con so và con sam

Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc – Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiếp nhận một người bệnh nữ trẻ bị ngộ độc sau khi ăn nhầm con so, do tưởng là con sam. Đây là một sai lầm phổ biến nhưng vô cùng nguy hiểm, vì con so chứa độc tố thần kinh có thể gây liệt cơ, suy hô hấp và thậm chí gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

 

“Ăn Sam thì bổ - ăn So thì khổ” – nguy hiểm từ độc tố Tetrodotoxin

Con sam biển (Tachypleus tridentatus) là một loại hải sản phổ biến, thường được chế biến thành các món ăn hấp dẫn với hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều protein, Omega-3, vitamin nhóm B và khoáng chất có lợi cho sức khỏe.

Con so (Carcinoscorpius rotundicauda) có hình dáng gần giống con sam nhưng chứa Tetrodotoxin – một loại độc tố thần kinh cực mạnh tương tự như cá nóc. Tùy lượng độc tố ăn phải và tùy thể trạng mà biểu hiện ngộ độc có thể từ nhẹ tới nặng, thậm chí đe dọa tính mạng do liệt cơ hô hấp.

Tetrodotoxin không bị phân hủy khi nấu chín, vì vậy ngay cả khi chế biến kỹ, con so vẫn gây nguy hiểm nếu ăn phải.

Để tránh ăn nhầm con so, hãy ghi nhớ 3 đặc điểm dễ nhận biết nhất sau đây:

1. Nhìn đuôi – Mẹo phân biệt chính xác nhất

- Con sam: Đuôi tiết diện tam giác, có gai trên gờ đuôi

- Con so: Đuôi tiết diện tròn (hình chữ O), không có gai trên gờ đuôi.

- Mẹo nhớ nhanh: Sam → hình tam giác;  So → hình O

2. So nhỏ hơn sam

- Con sam: Lớn hơn, kích thước khoảng 30 – 40 cm.

- Con so: Nhỏ hơn, chỉ khoảng 20 – 25 cm.

3. Sam đi theo cặp – So đi một mình

- Con sam luôn đi theo đôi (sam đực – sam cái bám sát nhau), nên dân gian mới có câu “Dính như sam”.

- Con so luôn đi đơn lẻ

Hình 1. Hướng dẫn đơn giản phân biệt con Sam và con So (Nguồn hình: Internet)

Tổng hợp một số đặc điểm hướng dẫn phân biệt Sam và So

Đặc điểm

Con sam (Ăn được)

Con so (Cực độc, không ăn được)

Hình dạng đuôi

Tam giác, có gai trên gờ đuôi

Tròn, không có gai trên gờ đuôi

Kích thước

To hơn (30 – 40 cm)

Nhỏ hơn (20 – 25 cm)

Đi theo cặp

Sam đi theo cặp đực và cái

So đi một mình

 

Làm gì khi nghi ngờ ngộ độc con so?

Nếu sau khi ăn con sam (nhưng có thể đã nhầm lẫn với con so) mà xuất hiện các triệu chứng như tê bì môi, lưỡi, tay chân, chóng mặt, buồn nôn, yếu cơ, khó thở, thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Không tự điều trị tại nhà, vì độc tố Tetrodotoxin trong con so có thể gây liệt cơ và suy hô hấp nguy hiểm.

Cách phòng tránh ngộ độc con so?

Để tránh nguy cơ ngộ độc do nhầm lẫn con so với con sam, chỉ ăn con sam khi đã phân biệt chính xác. Hãy mua hải sản ở nơi uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và tuyệt đối không ăn những loài hải sản có hình dạng lạ nếu chưa xác định được độ an toàn. Đặc biệt, nếu phát hiện con so, tuyệt đối không chế biến hay sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào.

ThS.BS.CKI Nguyễn Hữu Tín

“Sleep Lab” đạt chuẩn Quốc gia và Asia – Bước tiến đột phá trong y học giấc ngủ tại Bệnh viện Nhân dân 115
Cấp cứu thành công trường hợp rung thất do nhồi máu cơ tim cấp
Hiến Tạng Từ Người Hiến Chết Não – Câu Chuyện Về Lòng Nhân Ái Và Hành Trình Tiếp Nối Sự Sống Tại BVND115
Bệnh viện Nhân dân 115 góp mặt tại Hội nghị Khoa học Toàn quốc Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam lần thứ 25
Sở Y tế TP.HCM: Hình thành trung tâm điều trị đột quỵ chuyên sâu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn
Cấp cứu thành công xuất huyết tiêu hóa nguy kịch
Chung tay vì người bệnh
Sức khỏe mùa nắng nóng
Gãy xương vùng háng ở người lớn tuổi: Hiểu đúng để điều trị hiệu quả
Tuyên truyền, hướng dẫn an toàn lao động thang máy
Phát Động Phong Trào Thi Đua Yêu Nước, Bảo Đảm Trật Tự, An Toàn Giao Thông Năm 2025
Social Zalo Zalo Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube