Kịp thời cứu chữa các trường hợp ngộ độc khí làm lạnh
Vào lúc 2h00 sáng ngày 18/02/2025, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận 4 người bệnh bị ngộ độc khí do rò rỉ khí làm lạnh R22 (Hydrochlorofluorocarbon - HCFC) tại một cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn TP.HCM. Những người bệnh gồm: B. V. H (1999), N. X. T (2003), T. V. T (1999), T. V. D (2000).
Diễn biến sự cố
Khoảng 0h50 sáng, một vụ rò rỉ khí R22 đã xảy ra sau một tiếng nổ lớn từ bình chứa tại cơ sở sản xuất nước đá. Ngay lập tức, khí độc lan rộng khắp khu vực, khiến các công nhân hoảng loạn tìm cách thoát thân. Hai người tiếp xúc với khí trong khoảng 3 phút, trong khi hai người khác hít phải khí độc đến 10 phút trước khi được sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 bằng xe cấp cứu.
Tình trạng khi nhập viện
Khi nhập viện, cả bốn người bệnh đều có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đau đầu. Các bác sĩ tiến hành thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết và chẩn đoán ngộ độc khí nghi ngờ do R22.
Sau khi được điều trị và theo dõi tại khoa Cấp cứu, ba người bệnh đầu tiên ổn định sức khỏe và xuất viện sau khi được bác sĩ tư vấn. Riêng người bệnh T. V. D được theo dõi thêm trong một ngày trước khi xuất viện.
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khí tại nơi làm việc
R22 (HCFC) là một loại khí làm lạnh được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất nước đá, kho lạnh, hệ thống điều hòa không khí công nghiệp. Tuy nhiên, nếu rò rỉ, khí R22 có thể gây chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, kích ứng đường hô hấp, và trong trường hợp tiếp xúc ở nồng độ cao, có nguy cơ suy hô hấp cấp, tổn thương thần kinh.
Biện pháp phòng tránh ngộ độc khí R22
- Kiểm tra định kỳ hệ thống lạnh để phát hiện và khắc phục rò rỉ khí độc kịp thời.
- Trang bị thiết bị bảo hộ và hệ thống cảnh báo khí rò rỉ tại nơi làm việc.
- Không làm việc trong môi trường kín nếu nghi ngờ có khí độc.
- Học cách sơ cứu ngộ độc khí, di chuyển ngay ra nơi thoáng khí và gọi cấp cứu khi có triệu chứng bất thường.
Bệnh viện Nhân dân 115 – Sẵn sàng ứng phó các trường hợp cấp cứu
Bệnh viện Nhân dân 115 luôn sẵn sàng tiếp nhận và xử trí kịp thời các tình huống ngộ độc khí nguy hiểm. Nếu bạn hoặc người thân gặp tình trạng tương tự, hãy gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đến trực tiếp bệnh viện để được điều trị kịp thời.
ThS.BS.CKI Nguyễn Hữu Tín, BS.CKI Trần Huy Nhật – Khoa Hồi sức tích cực và chống độc