Tết đến Xuân về, cẩn thận chén rượu giả!

Khi uống phải methanol, cơ thể sẽ chuyển hóa nó thành các chất cực kỳ độc hại như formaldehyde và acid formic, gây ra các tác động nguy hiểm như nhiễm acid nặng và tổn thương hệ thần kinh, đặc biệt là thần kinh thị giác, có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Giới thiệu về ngộ độc methanol

Ngộ độc methanol là một tình trạng nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt là mất thị lực vĩnh viễn và tổn thương đa cơ quan. Tại nhiều quốc gia như Ấn Độ hay Pakistan, ngộ độc methanol thường xảy ra do tiêu thụ rượu không rõ nguồn gốc hoặc các sản phẩm chứa methanol. Tại Việt Nam, tình trạng này đang trở thành vấn đề đáng lo ngại với thói quen ủ rượu bằng phương pháp thủ công và ngâm rượu với nhiều thành phần cây cỏ động vật khác nhau của người dân. Ngộ độc methanol thường xảy ra theo chùm ca với đối tượng người bệnh thường là nam giới, trong độ tuổi lao động nên để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ cá nhân và cộng đồng.

Methanol là một dạng cồn công nghiệp, không được sử dụng cho mục đích tiêu thụ như thực phẩm. Khi uống phải methanol, cơ thể sẽ chuyển hóa nó thành các chất cực kỳ độc hại như formaldehyde và acid formic, gây ra các tác động nguy hiểm như nhiễm acid nặng và tổn thương hệ thần kinh, đặc biệt là thần kinh thị giác, có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ngộ độc methanol có thể gây tử vong hoặc biến chứng không hồi phục.

Những dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc methanol

Ngộ độc methanol có thể rất khó phát hiện trong giai đoạn đầu, vì các triệu chứng ban đầu có thể giống như ngộ độc ethanol (rượu thông thường). Đa phần các trường hợp ngộ độc methanol mà Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận đều liên quan đến tiêu thụ rượu giả, rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc rượu nấu thủ công. Thành phần của chúng thường bao gồm cả ethanol và methanol. Người bệnh lúc đầu cũng có cảm giác say chếnh choáng nhưng sau đó có thể diễn tiến nặng nhanh chóng. Một số triệu chứng phổ biến của ngộ độc methanol bao gồm:

- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

- Mờ mắt, nhìn đôi, hoặc sợ ánh sáng.

- Thở nhanh, hơi thở có mùi acetone – mùi trái cây chín.

- Lú lẫn, lơ mơ, có thể dẫn đến hôn mê trong trường hợp nặng.

Một trong những biểu hiện đặc trưng của ngộ độc methanol là suy giảm thị lực. Người bệnh có thể than nhìn mờ, nhìn đôi, hoa mắt, sợ ánh sáng, thậm chí mù hẳn. Giảm thị lực có thể xuất hiện trong vòng 12-24 giờ sau khi phơi nhiễm và diễn tiến nhanh chóng đến mù hoàn toàn, nếu không được điều trị kịp thời.

Cơ chế ngộ độc methanol

Methanol khi vào cơ thể sẽ được enzyme chuyển hóa thành formaldehyde, một chất gây độc tế bào mạnh. Sau đó, formaldehyde tiếp tục chuyển hóa thành acid formic, chất này có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là võng mạc và thần kinh thị giác. Ngoài ra, acid formic còn gây ra tình trạng toan chuyển hóa, tức làm lượng acid trong máu tăng lên quá mức nguy hiểm, dẫn đến rối loạn nghiêm trọng trong các chức năng sinh lý bình thường của cơ thể.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tế bào thần kinh thị giác và các neuron vùng hạch nền của não đặc biệt nhạy cảm với acid formic, gây tổn thương không hồi phục cho thị giác và hệ thần kinh trung ương. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) thường cho thấy các tổn thương đối xứng tại nhân đậu và nhân đuôi, những cấu trúc nằm trong hạch nền của não.

 

Hình 1. Hình ảnh tổn thương não của một trường hợp ngộ độc methanol. Người bệnh này xuất viện trong tình cảnh mù loà vĩnh viễn.

Biện pháp điều trị ngộ độc methanol

Việc phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng trong ngộ độc methanol. Nếu không, hậu quả có thể là tử vong hoặc mất thị lực vĩnh viễn. Điều trị ngộ độc methanol bao gồm các biện pháp chính sau:

1.     Ức chế sự chuyển hóa methanol: Sử dụng các chất ức chế enzyme, như ethanol hoặc fomepizole, để ngăn chặn sự chuyển hóa methanol thành các chất độc hại. Ethanol được sử dụng để giải độc là các chế phẩm đã được tinh luyện cho mục đích y khoa. Người dân không được tự ý cho người bệnh uống thêm rượu bia thương mại để giải độc mà không có sự tham vấn của nhân viên y tế.

2.     Loại bỏ methanol và acid formic khỏi cơ thể: Sử dụng các phương pháp lọc máu để loại bỏ methanol và các chất độc hạiđặc biệt trong những trường hợp ngộ độc nặng.

3.     Điều trị hỗ trợ những cơ quan khác nếu có chỉ định.

Phòng ngừa ngộ độc methanol

Để ngăn chặn tình trạng ngộ độc methanol, việc giáo dục cộng đồng về các biện pháp phòng ngừa là vô cùng quan trọng:

·Tránh tiêu thụ rượu không rõ nguồn gốc: Đảm bảo rằng tất cả các loại rượu được tiêu thụ đều có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm định chất lượng. Không uống các loại rượu tự chế hoặc rượu không có nhãn mác và chứng nhận của cơ quan chức năng.

·Nâng cao nhận thức về ngộ độc methanol: Cộng đồng cần được thông tin đầy đủ về nguy cơ của ngộ độc methanol, cũng như các triệu chứng để có thể nhận biết và tìm kiếm sự giúp đỡ y tế kịp thời.

·Nếu có người thân nghi ngờ ngộ độc methanol với đặc trưng là có sử dụng rượu bia trước đó, có say một thời gian thì hết nhưng sau đó lại than mệt, nhìn mờ, ngủ nhiều dù không dùng thêm rượu bia sau đó thì cần phải đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để nhanh chóng được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Hiện tượng này xảy ra do cơ thể sau khi chuyển hoá hết ethanol thì chuyển sang chuyển hoá methanol thành formaldehyde và acid formic và từ đó gây ra triệu chứng lâm sàng.

·Quản lý chặt chẽ sản xuất và kinh doanh rượu: Nhà nước và các cơ quan chức năng cần quản lý nghiêm ngặt việc sản xuất, phân phối và bán rượu, đặc biệt là các loại rượu thủ công, rượu tự chế.

Kết luận

Ngộ độc methanol là một tình trạng nguy hiểm, có thể gây ra mất thị lực vĩnh viễn và tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, với những biện pháp điều trị phù hợp, người bệnh có thể tránh được các biến chứng nghiêm trọng. Điều quan trọng là nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ ngộ độc methanol và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Bệnh viện Nhân dân 115 tự hào là địa chỉ uy tín với đội ngũ bác sĩ tận tâm, chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý ngộ độc phức tạp. Với hệ thống xét nghiệm hiện đại, bệnh viện đảm bảo khả năng chẩn đoán chính xác và theo dõi sát sao chức năng các cơ quan, giúp đưa ra phác đồ điều trị tối ưu. Bên cạnh đó, bệnh viện còn trang bị máy thở và máy lọc máu tiên tiến, áp dụng nhiều phương thức hỗ trợ khác nhau, đặc biệt trong các trường hợp suy chức năng cơ quan, nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

BS Trần Huy Nhật - Khoa Hồi sức tích cực và chống độc - Bệnh viện Nhân dân 115

Chấn thương cẳng chân: quá trình phẫu thuật và hồi phục
Đắp là chữa bệnh – một tình huống gây nguy hại
Châm cứu – Những thách thức tiềm ẩn: Câu chuyện của người bệnh T.T.D
Cứu sống bệnh nhân nhiễm Leptospira nặng – hiểm hoạ từ chuột
Tiếp tục một trường hợp hóc xương cá và đâm thủng ruột non
Nhân 1 trường hợp đột ngột ngưng tim khi nội soi, Bác sĩ cảnh báo điều gì?
BỆNH VIỆN NHÂN DÂN 115 KỊP THỜI CỨU SỐNG 2 NGƯỜI BỆNH NGỘ ĐỘC CHẤT GÂY METHEMOGLOBIN NGUY KỊCH
Ngày An toàn người bệnh Thế giới 2024: “Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự an toàn của người bệnh - Chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn”
Những điều cần biết về bệnh sởi
Áp xe gan vì hóc xương cá, trường hợp hiếm gặp đã được cứu sống tại Bệnh viện Nhân dân 115
Social Zalo Zalo Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube