Mới đây, tại Bệnh viện Nhân dân 115, tiếp nhận người bệnh T.T.L (sinh năm 1953, nữ, ở Đồng Tháp) gặp phải một tai nạn sinh hoạt chấn thương khớp háng, gây hạn chế vận động, sau đó người bệnh đã tìm đến một thầy thuốc và sử dụng phương pháp đắp lá thuốc mà người bán đã điều chế sẵn.
Sau 20 ngày sử dụng, tình trạng của người bệnh không chỉ không thuyên giảm mà còn trở nên nghiêm trọng hơn khi vùng da đắp lá bị sưng tấy, nóng đỏ và đau lan rộng ra cả cẳng tay, đùi và bụng dưới. Không những thế, vùng bị đắp lá còn có dấu hiệu nhiễm trùng rõ rệt.
Hình ảnh Chụp X-Quang – gãy cổ xương đùi (P)
Người bệnh được mời khám các chuyên gia khác nhau như nội tiết và truyền nhiễm để điều trị các vấn đề liên quan đến tiểu đường và nhiễm trùng, đồng thời chỉ định điều trị kháng sinh và kháng viêm phù hợp để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm. Khi tình trạng nhiễm trùng của người bệnh ổn định sẽ tiến hành phẫu thuật để điều trị gãy cổ xương đùi bên phải.
Sau 8 ngày điều trị nội khoa, tình trạng người bệnh đã có chuyển biến tích cực. Vùng đùi không còn bị sưng, tình trạng đau giảm đi nhiều và các dấu hiệu nhiễm trùng cũng được kiểm soát tốt.
Hình ảnh: tình trạng viêm mô tế bào đã ổn định
Trường hợp này là lời cảnh tỉnh đối với những người bệnh và gia đình trong việc lựa chọn phương pháp điều trị. Việc tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian, đặc biệt là phương pháp đắp lá thuốc, không chỉ có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng mà còn dẫn đến những hậu quả khó lường. Các phương pháp chữa bệnh cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện trong môi trường y tế có đầy đủ trang thiết bị, nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho người bệnh.
Chúng tôi kêu gọi cộng đồng luôn cảnh giác và tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Ngọc Hân