BỆNH VIỆN NHÂN DÂN 115 KỊP THỜI CỨU SỐNG 2 NGƯỜI BỆNH NGỘ ĐỘC CHẤT GÂY METHEMOGLOBIN NGUY KỊCH

Ngày 27/08/2024, anh N.V.L.E. (sinh năm 1993) đã được xuất viện sau khi vượt qua cơn nguy kịch do ngộ độc chất gây methemoglobin (MetHb). Đây là một trong hai trường hợp ngộ độc nặng nhất trong nhóm 5 người bị ngộ độc hóa chất chưa rõ loại tại Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, người bệnh còn lại là anh V.H.K. (sinh năm 2005) đã được xuất viện vào ngày 20/08/2024 trong tình trạng ổn định và hồi phục tốt.

Bối cảnh tiếp nhận:

Vào tối ngày 09/08/2024, khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc (HSTC&CĐ) của Bệnh viện Nhân Dân 115 đã nhận cuộc gọi hội chẩn khẩn cấp từ khoa Cấp cứu Tổng hợp (CCTH) về một nhóm người bệnh nghi ngờ ngộ độc chất lạ. Nhóm người bệnh, bao gồm 5 nam thanh niên, đều có tiền sử khỏe mạnh, làm việc trong một nhà kho tại huyện Bình Chánh và đồng loạt xuất hiện các triệu chứng như tím tái, khó thở, chóng mặt và có 2 người nhập viện trong tình trạng co giật, hôn mê sâu.

Các triệu chứng lâm sàng ban đầu được ghi nhận bao gồm tím môi, khó thở, chóng mặt và giảm oxy máu. Người bệnh nặng nhất, anh N.V.L.E., đã hôn mê và phải thở máy. Các bác sĩ khoa HSTC&CĐ ngay lập tức nghi ngờ đây là một vụ ngộ độc tập thể.

Close-up of a person wearing a cpap mask

Description automatically generatedA close-up of a hand

Description automatically generated

Hình 1. Tím tái biểu hiện qua tím môi và đầu ngón tay

Nghi vấn về hóa chất gây độc:

Sau khi thu thập bệnh sử, các bác sĩ nhận thấy cả nhóm người bệnh đã tiếp xúc với hóa chất PolyAluminium Chloride (PAC), một dạng phèn nhôm thường được sử dụng để xử lý nước. Tuy nhiên, theo y văn, PAC thường không gây ra các triệu chứng tím tái và giảm oxy máu nặng.

Lời khai từ anh V.H.K. cho biết vào thời điểm xảy ra vụ việc, nhóm của anh đang bốc dỡ các túi hàng PAC dạng bột từ xe container trong một nhà kho nhưng không mang dụng cụ bảo hộ. Lúc đó, họ cảm thấy một mùi khó chịu và hăng hắc, làm cay mũi, giống mùi bột ớt khô. Sàn xe rất nhớp nháp và các túi hàng cũng có dấu hiệu bất thường với bề mặt dơ và nhớp nháp, gây rát da khi chạm vào. Anh N.V.L.E. là 1 trong 2 người trực tiếp đứng trong xe container ngửi thấy mùi nồng nhất và cũng là người xuất hiện triệu chứng sớm và nặng nhất.

Ê-kíp khoa HSTC&CĐ bắt đầu nghi ngờ rằng khu vực xe container nơi các người bệnh làm việc có chứa chất bay hơi chưa rõ loại gây ra ngộ độc.

Xác định methemoglobin là nguyên nhân chính:

Với các triệu chứng lâm sàng đặc trưng như tím tái và giảm oxy máu nặng, ê-kíp khoa HSTC&CĐ đã tiến hành xét nghiệm đồng hấp thụ trong máu (co-oximetry) cho hai người bệnh nặng nhất, và kết quả cho thấy mức MetHb của anh N.V.L.E. lên đến 71%, còn anh V.H.K. là 55%. MetHb bình thường chỉ ở mức < 1%. Theo phân loại của Bộ Y tế, các kết quả này cho thấy cả hai người đều ở mức độ nguy kịch tính mạng.

Methemoglobin (MetHb) là một tình trạng khi hemoglobin (Hb) – chất có nhiệm vụ vận chuyển oxy trong máu – bị chuyển hóa thành dạng mất chức năng (Fe3+ thay vì Fe2+). Điều này khiến hồng cầu mất khả năng vận chuyển oxy hiệu quả đến các mô trong cơ thể, dẫn đến tình trạng thiếu oxy nặng dù lượng oxy hít vào bình thường.

24 giờ chạy đua với tử thần”:

Ngay khi xác định tình trạng MetHb nguy kịch, đội ngũ bác sĩ đã khởi động phác đồ điều trị tích cực theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bao gồm thở oxy nồng độ cao, sử dụng thuốc giải độc xanh methylene và vitamin C liều cao. Đối với anh N.V.L.E., vì tình trạng nguy kịch hơn, anh còn phải trải qua quá trình lọc máu để duy trì cân bằng nội môi và điều chỉnh toan-kiềm trước khi thuốc giải độc có hiệu lực.

Sau khi được điều trị, lượng MetHb trong cơ thể của cả hai người bệnh đã giảm đáng kể. Cụ thể, chỉ sau 6 giờ, lượng MetHb của 2 anh N.V.L.E. và V.H.K. đã giảm xuống dưới 1%, và các triệu chứng tím tái cũng như giảm oxy máu đã cải thiện rõ rệt trong vòng 24 giờ sau khi bắt đầu điều trị. Ngoài ra các triệu chứng tiên lượng nặng như hôn mê, co giật cũng đã cải thiện hoàn toàn khi ăn N.V.L.E hồi phục tri giác vào sáng sớm ngày hôm sau.

A person wearing a mask

Description automatically generated

Hình 2. Tím tái cải thiện rõ sau dùng thuốc giải độc

Tầm quan trọng của việc chẩn đoán và điều trị kịp thời:

Sự hồi phục nhanh chóng của 2 người bệnh cho thấy tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị kịp thời ngộ độc MetHb. Điều này sẽ bất khả thi nếu thiếu trang thiết bị hiện đại và kinh nghiệm của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân 115. Máy đo đồng hấp thụ (co-oximeter) là thiết bị tiên tiến, cho phép chẩn đoán chính xác tình trạng MetHb bằng cách đo các dạng hemoglobin khác nhau trong máu. Máy đo độ bão hoà oxy thường quy hay các máy khí máu thông thường không phát hiện được MetHb. Nhờ vào thiết bị này, đội ngũ y bác sĩ đã xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh và từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp trong tình huống bệnh sử còn mơ hồ, dễ bị đánh lạc hướng nếu không có kinh nghiệm chống độc.

Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ về mặt chuyên môn giữa các bệnh viện dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế TP. HCM đã kịp thời đưa thuốc đặc trị đến người bệnh vào thời khắc sinh tử ngặt nghèo nhất.

Lời khuyên từ các chuyên gia:

Sau sự cố ngộ độc này, các bác sĩ chống độc của Bệnh viện Nhân Dân 115 đã đưa ra một số lời khuyên nhằm giúp ngăn ngừa tình trạng tương tự xảy ra trong tương lai:

1. Cảnh giác khi làm việc với hóa chất: Người lao động cần được trang bị bảo hộ đầy đủ, bao gồm nón, kính, găng tay, khẩu trang, và quần áo bảo hộ khi tiếp xúc với các hóa chất có khả năng gây hại, đặc biệt là trong môi trường kín như nhà kho hay xe container.

2. Bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình Luật An toàn vệ sinh lao động, đặc biệt trong các ngành nghề có nguy cơ tiếp xúc với hóa chất. Những biện pháp như kiểm tra định kỳ môi trường làm việc, bệnh nghề nghiệp và sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân là rất cần thiết.

3. Chú ý đến sức khỏe gia đình: Một số hóa chất có thể gây methemoglobin có thể xuất hiện trong đời sống hằng ngày, như nitrite và nitrate trong thực phẩm hoặc nước giếng. Để tránh nguy cơ ngộ độc, người dân cần hạn chế cho trẻ nhỏ ăn quá nhiều các loại rau củ như củ dền, cà rốt, hoặc sử dụng nước giếng chưa qua kiểm tra chất lượng.

4. Nhận diện sớm triệu chứng: Nếu phát hiện các triệu chứng như tím môi, khó thở, co giật hoặc hôn mê mà trước đó người bệnh khỏe mạnh, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Các triệu chứng của methemoglobin có thể rất nguy hiểm nếu không được can thiệp sớm.

Qua sự việc lần này, Bệnh viện Nhân dân 115 một lần nữa khẳng định năng lực chuyên môn và khả năng xử lý nhanh chóng các tình huống ngộ độc nguy cấp. Nhờ vào sự phối hợp hiệu quả giữa các bệnh viện và trang bị thiết bị y tế hiện đại, hai người bệnh trong tình trạng ngộ độc methemoglobin nguy kịch đã được cứu sống. Sự hồi phục hoàn toàn của họ là minh chứng cho việc điều trị tích cực và chẩn đoán chính xác có thể cứu sống người bệnh ngay cả trong những trường hợp ngộ độc hóa chất nghiêm trọng.

 

Tiếp tục một trường hợp hóc xương cá và đâm thủng ruột non
Nhân 1 trường hợp đột ngột ngưng tim khi nội soi, Bác sĩ cảnh báo điều gì?
Ngày An toàn người bệnh Thế giới 2024: “Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự an toàn của người bệnh - Chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn”
Những điều cần biết về bệnh sởi
Áp xe gan vì hóc xương cá, trường hợp hiếm gặp đã được cứu sống tại Bệnh viện Nhân dân 115
Phẫu thuật điều trị đứt gân gót cấp bằng kỹ thuật ít xâm lấn dưới hướng dẫn của siêu âm
Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa
Tư vấn dành cho người bệnh cao huyết áp
Cùng nhau ngăn chặn sự đề kháng kháng sinh
Bệnh nấm phổi do Aspergillus
Social Zalo Zalo Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube