Viêm gan A, B, C loại nào nguy hiểm nhất?

BS Phượng ơi, trong các loại viêm gan A, B và C thì loại nào nguy hiểm nhất? Có thể chích ngừa để phòng ngừa 3 loại viêm gan này không ạ?

Cơ chế lây bệnh của 3 loại này khác nhau, xin kính nhờ bác sĩ hướng dẫn giúp em. Vì trong nhà chồng em, bố chồng em bị viêm gan C, chị chồng của em bị viêm gan B.

Người bị viêm gan có cần kiêng cữ gì không ạ? Bao nhiêu % người bị viêm gan sẽ thành ung thư gan ạ? Có cách nào tốt nhất để ngăn chặn bệnh tiến triển không ạ?

Em muốn tìm hiểu để có thể chăm sóc tốt cho người bệnh. Em cũng muốn biết rõ để bảo vệ các thành viên trong gia đình. Em đã có lần được gặp bác sĩ và rất thích phong cách giản dị, ân cần của chị. Trân trọng cảm ơn và kính chúc chị cùng gia đình sức khỏe.

(Hồng Phúc - Quảng Ngãi)

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn Hồng Phúc,

Trong 3 loại viêm gan A, B, C viêm gan A thường gây bệnh cấp tính, không để lại di chứng về sau.

Viêm gan B, C nguy hiểm vì có thể gây tổn thương gan cấp trong giai đoạn cấp tính có thể gây nguy hiểm tính mạng, đồng thời nhiễm viêm gan B, C có thể diễn tiến mạn tính trong thời gian dài đưa đến biến chứng xơ gan, ung thư gan sau này.

Hiện tại, chúng ta có thể chích ngừa, phòng ngừa viêm gan A, B.

Viêm gan C hiện chưa có thuốc chủng ngừa.

Cơ chế lây bệnh của viêm gan A là nhiễm qua đường tiêu hóa do ăn uống chung.

Cơ chế lây bệnh của viêm gan B và C qua 3 đường: đường máu và những vật phẩm có dính máu, đường tình dục, đường mẹ truyền cho con. Viêm gan B và C không lây qua đường tiếp xúc thông thường như: ăn chung, uống chung, bắt tay…

Người bị viêm gan cần kiêng cữ rượu, bia, những thực phẩm có chứa nhiều hóa chất phẩm màu không an toàn cho cơ thể. Đồng thời, cũng nên hạn chế không ăn quá nhiều chất béo, nội tạng, thịt có màu đỏ.

Người bị viêm gan B và C có nguy cơ diễn tiến xơ gan và ung thư gan (viêm gan siêu vi C 80% sẽ đưa đến xơ gan và ung thư gan sau này).

Cách tốt nhất để ngăn bệnh tiến triển là phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng. Những người đã bị nhiễm virus B và C phải khám sức khỏe định kỳ mỗi 3-6 tháng hoặc khi có triệu chứng bất thường nếu chưa có chỉ định điều trị đặc trị, nếu được chỉ định điều trị đặc trị phải tuân theo y lệnh của thầy thuốc, bác sĩ.

Thân mến!

TS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa
BV Nhân dân 115

Thuyên tắc phổi – Những điều cơ bản cần biết
Hiểm họa chết người từ việc chích insulin sai cách ở người bệnh đái tháo đường
Test hơi thở ure (UBT) là gì?
Bệnh nhân gút nên ăn uống thế nào dịp Tết?
Dưỡng sinh - Ẩm thực mùa Tết
Người cao huyết áp ăn gì vào ngày Tết?
Một số bệnh thường gặp ngày Tết
Lưu ý về dinh dưỡng trong Tết cho người bệnh suy tim
Sử dụng thực phẩm phù hợp, an toàn các ngày trước, trong và sau tết âm lịch
Cấp cứu rắn cắn – khi mọi phút giây đều quý giá
Social Zalo Zalo Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube