Chắc hẳn, trong quá trình điều trị
bệnh, quý bạn đọc không ít lần phải làm xét nghiệm, kèm theo rất nhiều thắc mắc:
khi nào nên làm xét nghiệm, trước khi xét nghiệm cần lưu ý gì, xét nghiệm có
giá trị trong bao lâu… Sáng thứ sáu 13/4, ThS.BS Nguyễn Văn Lộc - trưởng khoa
Xét nghiệm BV Nhân dân 115 có buổi tư vấn trực tuyến để giải đáp các câu hỏi
liên quan đến vấn đề xung quanh việc xét nghiệm.
NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN
- D. Lê - mai..@gmail.com
Chào BS,
Tôi
xin hỏi về xét nghiệm HIV. BS có thể cho tôi hỏi về giá dịch vụ xét
nghiệm này và khoảng thời gian nào từ khi xảy ra hành vi nhiễm bệnh, xét
nghiệm cho kết quả chính xác nhất? BV ở tỉnh/huyện có xét nghiệm này
không?
Tôi thấy có loại xét nghiệm nhanh liệu kết quả có chính xác? Và sau xảy ra hành vi bao nhiêu ngày thì xét nghiệm được?
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào bạn,
Kể
từ khi có hành vi không an toàn thì không có thời điểm nào để chúng ta
xét nghiệm có kết quả chính xác nhất, bởi vì khả năng sản xuất kháng thể
chống lại HIV thay đổi tùy theo cơ địa mỗi người. Thông thường thì sau 3
tháng, kết quả xét nghiệm rõ ràng hơn.
Giá xét nghiệm tầm soát HIV này dao động từ 50.000- 100.000 đồng/ test tùy theo cơ sở công hoặc tư.
Xét
nghiệm nhanh chỉ mang tính tầm soát, cần làm thêm các xét nghiệm khác
có kỹ thuật cao hơn, chính xác hơn. Đối với test nhanh, sau khi có hành
vi không an toàn, bạn xét nghiệm càng sớm càng tốt.
Các BV tuyến huyện theo tôi được biết là có làm xét nghiệm này.
- Phan Thanh - 001phan...@gmail.com
Xin chào AloBacsi,
Em có đọc thấy AloBacsi đã tư vấn cho rất nhiều người, em viết mail này mong muốn được AloBacsi tư vấn giùm em:
1. Với kết quả xét nghiệm này thì liệu có phải mổ không AloBacsi?
2. Liệu với kết quả này, nếu em mang thai có nguy hiểm cho thai nhi hay là có khả năng di truyền không?
Kết quả xét nghiệm:
Anti - TG:0.1 UI / mL (Giá trị bình thường: 0-0)
FT4: 14.08 pmo / L (Giá trị bình thường: 9-25)
TSH: 0.98 mIU / mL(Giá trị bình thường: 0.5-5)
Thyroglobulin (TG): 98.43 ng / mL(Giá trị bình thường: 0-0).
TD Bướu giáp nhân.
*Thùy (P):
- Kích thước (20 x 15) mm
- Có vài nhân giảm âm lớn nhất lệch về phía eo KT (13 x 8) mm, có nốt vôi hóa nhu nhu mô ĐK 3 mm.
* Thùy(T):
- Kích thước(16 x 12 x 54)mm
-
Nhu mô thùy có khối cấu trúc dạng nang, dịch trong nang không đồng
nhất, có vách trong nang và nụ sùi lồi vào thành nang, vôi hóa bám
thành, KT nang (22 x 15)mm.
Eo giáp 3mm
Kết luận: Hình ảnh nang lớn thùy trái và nhân nhỏ thùy phải.
Rất mong được sự tư vấn của BS. Xin chân thành cảm ơn.
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào em,
Theo
kết quả em gửi thì có chỉ số Thyroglobulin hơi cao (bình thường <50
ng/mL), do vậy tốt nhất em nên đến các BV hoặc trung tâm có chuyên khoa
ung bướu để các BS chuyên ngành đánh giá tình trạng tuyến giáp của em
xem có cần tầm soát thêm các xét nghiệm để giúp chẩn đoán rõ ràng hơn và
có hướng xử trí phù hợp cho em.
Trong thời gian này em nên tạm hoãn kế hoạch có em bé. Bệnh này không di truyền, em nhé.
- Nguyễn Văn Trí, 59 tuổi - Đà Nẵng
Tôi 59 tuổi, nam, xét nghiệm canxi 2,10mml/L.
Tôi
thường xuyên nhức 2 bắp chân phần thịt, nhức mỏi các khớp ngón tay và
ngón chân một cách đối xứng, không sưng, người luôn mệt mỏi suốt ngày,
thức dậy nửa đêm bị mệt.
Tôi
uống canxi sandoz 500mg+ D viên sủi, ngày 2 viên, uống 10 ngày thấy đở
đau nhức trên 50%. Nhưng nếu không uống thì bị đau nhức, có phải cơ thể
không hấp thu canxi?
Nếu không uống viên sủi được dài ngày, tôi có thể uống canxi viên loại gì và uống trong thời gian bao lâu?
(Tiền
sử: Đã dùng nhiều đợt canxi sủi 500mg+ D3. Xét nghiệm: RF Âm tính,
canci 2, 10mm/L. Đo điện cơ không bị thần kinh ngoại biên. Uống B12 một
tháng).
Xin được tư vấn, cám ơn BS.
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào anh Trí,
Theo
các triệu chứng anh mô tả và kết quả xét nghiệm canxi anh cho biết thì
hiện tại anh không thiếu canxi trong máu. Do vậy, anh không nên tự dùng
cancium uống dưới mọi hình thức.
Còn tình trạng đau nhức: thường
xuyên nhức 2 bắp chân phần thịt, nhức mỏi các khớp ngón tay và ngón chân
một cách đối xứng, không sưng… thì anh nên đến các BV có chuyên khoa Cơ
Xương Khớp để các BS chuyên ngành đánh giá tình trạng đau của anh và tư
vấn hướng điều trị thích hợp.
- Ngọc Hoa - ngochoa...@gmail.com
Chào AloBacsi,
Cháu 27 tuổi, thấy dấu hiệu cổ hơi to, cháu có đi khám và làm các xét nghiệm:
-
Siêu âm tuyến giáp: kích thước 2 thùy to hơn bình thường, thùy phải có
cấu trúc nhu mô nhân giảm âm 7mm, kèm theo nang 5mm, thùy trái có cấu
trúc nhu mô đều, không có khối, eo tuyến 6mm, không có hạch dọc mạch 2
bên.
- Xét nghiệm miễn dịch T3: 2.58 nmol/L, FT4: 23.3 pmol/L, TSH: 1,41 mIU/L, chỉ số T4 hơi cao còn T3 và TSH bình thường.
- Điện tim thì tim đập hơi nhanh 110c/s
BS nói chưa chắc là basedow, nhưng vì tim đập nhanh nên có kê thuốc điều trị về tim mạch trước.
Mong AloBacsi tư vấn thêm giúp cháu. Cháu cám ơn!
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào em,
Để chẩn đoán bệnh basedow cần làm thêm 1 số xét nghiệm chuyên khoa khác nữa (anti-TPO...)
Trước
mắt, em uống thuốc theo toa của BS tim mạch, nếu không thấy đỡ (cảm
giác tim còn đập nhanh) thì em nên đến các BV có chuyên khoa Nội tiết để
các BS thăm khám lại cho em và chỉ định thêm một số xét nghiệm chẩn
đoán bệnh basedow nếu thấy cần.
- Mai Thị Nhung - Hà Nội
Thưa BS,
Cháu 22 tuổi, thời gian gần đây cháu thường bị chóng mặt, ù tai, đau đầu, cháu có đi khám và phát hiện mình bị thiếu máu.
Cách
đây 6 tháng cháu có đi khám và BS kết luận bị thiếu máu vừa, được chỉ
định làm huyết đồ, nhưng do điều kiện không cho phép nên cháu không đi,
mới đây cháu đi xét nghiệm máu và biết mình vẫn bị thiếu máu.
Các chỉ số hiện tại của cháu là:
- Hồng cầu:3,39 trước là 4,62
- Huyết sắc tố: 57 trước là 81
- Hematocrit: 0,21 trước là 0,279
- MCV: 61,9 trước là 60, 4
- MCH: 16,8
- MCHC:301
- Tiểu cầu là 292 trước là 368
- Bạch cầu là 6,2 trước là 10,4
Lúc trước cháu chưa từng bị bệnh gì khác, và cũng không có triệu chứng lạ gì.
Vậy BS cho cháu hỏi cháu bị bệnh gì với ạ, và cách điều trị của bệnh này? Cháu xin cảm ơn.
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Nhung thân mến,
Theo
kết quả em gửi, khả năng em đã bị thiếu máu - thiếu sắt. Em nên đến BV
hoặc trung tâm có chuyên khoa Huyết học để làm thêm các xét nghiệm đánh
giá tình trạng thiếu sắt cũng như tìm nguyên nhân và điều trị sớm cho
em.
Trong thời gian này em nên ăn uống, bồi dưỡng, không kiêng khem nhé em.
- Trần Bình, 41 tuổi - TPHCM
Chào BS,
Ngày
tôi kiểm tra sức khoẻ tổng quát tại phòng khám tư, bác sĩ tư vấn thì
kết quả siêu âm, điện tim và các kết quả xét nghiệm khác đều tốt ngoại
trừ:
- Chỉ số Cholesterol LDL 190mg% (chỉ số cho phép 90-150mg%)
- Dạ dày bị nhiễm vi khuẩn HP nhưng không bị viêm loét hay bất cứ biểu hiện khác thường nào.
BS cho tôi hỏi với tình hình bệnh như vậy tôi có phải uống thuốc không? Nếu uống thuốc thì uống những loại thuốc gì? Cảm ơn BS!
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào anh Bình,
Theo
kết quả xét nghiệm anh gửi, chỉ số cholesterol LDL đã cao rồi, anh nên
đến gặp BS chuyên khoa tim mạch để đánh giá tình trạng tim mạch, có
hướng theo dõi và điều trị cho anh.
Còn về vấn đề nhiễm HP anh nên đến gặp BS chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn kỹ, anh nhé.
- Lâm Thị Mỹ Hạnh - Hà Nam
Kính gửi BS,
Em đi xét nghiệm nội tiết tố chỉ số như sau:
RH: Dương
TPHA: Âm tính
HBSAG: Dương tính (đã từng đi kiểm tra và biết tình trạng này, chưa hoạt động)
HIV: Âm tính
FSH: 5.93
LH:6.32
Prolatin: 316.6
E2: 56
Testosterone: 2.41
Cho em hỏi là chỉ số của em như vậy có bình thường không ạ? Em xin cảm ơn!
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào bạn,
Rất
tiếc là bạn không cho biết năm sinh, đơn vị của các kết quả xét nghiệm
và đã thực hiện các xét nghiệm trên vào thời điểm nào trong chu kỳ kinh,
do vậy BS không thể nhận xét được kết quả của bạn là bình thường hay
không.
Bạn có thể gửi bổ sung lại các thông tin đầy đủ hơn về cho chương trình nhé.
- Hà Lê - Hà Nội
Thưa BS,
Cháu
20 tuổi, cháu đi xét nghiệm máu thấy chỉ số cholesterol (TC) = 5,4
mmol/L. Cháu có phải bị mỡ máu không ạ? BS tư vấn cho cháu cách giảm chỉ
số này với ạ?
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào em,
Kết
quả xét nghiệm cholesterol em gửi nằm giữa giới hạn thấp và cao, do vậy
em không bị mỡ máu cao. Trước mắt em nên hạn chế (chứ không phải ngưng)
ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ, món chiên rán, thức ăn nhanh… và nên tập
thể dục mỗi ngày, em nhé.

- Quốc Nam - Quảng Ninh
Chào AloBacsi,
Em
là nam, 25 tuổi. 10 năm trước trong một lần tình cờ khám sức khỏe, em
xét nghiệm nước tiểu trong nước tiểu có ít hồng cầu và protein.
Em
đã lên bệnh viện nhi Trung ương khám và làm các xét nghiệm máu, xét
nghiệm máu chức năng thận, chụp X-quang, siêu âm, chụp UIV tất cả vẫn
bình thường, chỉ có nước tiểu có hồng cầu và protein. Từ đó đến nay em
vẫn ăn uống, sức khỏe, sinh hoạt bình thường.
Gần
đây, em mới đi xét nghiệm nước tiểu lại kết quả xét nghiệm hồng cầu
(++), protein (+). Ngoài ra em không có thêm một triệu chứng nào khác.
Em nghe BS nói có thể là do cơ địa, tuy nhiên em vẫn lo lắng. Đây là xét nghiệm mấy hôm trước của em.
Nước tiểu:
Glu Negative
BilNegative
SG 1.020
Blo Moderate
PH 7.0
PRO 30mg/cl
URO 0.2 E.U./dL
NITNegative
LEU Negative
Huyết học:
WBC 6.8 10^3/mm^3
LYM% 31.0 %
MON% 3.8%
GRA% 65.2%
LYM#2.1010^3/mm^3
MON# 0.20 10^3/mm^3
GRA#4.5010^3/mm^3
RBC 5.4510^6/mm^3
HGB 16.5g/dl
HCT 46.4%
MCV 85 um^3
MCH 30.3pg
MCHC 35.6Hg/dl
RDW14.2%
PLT 240 10^3/mm^3
MPV7.3um^3
PCT0.176%
PDW 13.3 %
BS nói xét nghiệm máu bình thường, và còn 1 xét nghiệm máu chức năng thận nữa BS nói bình thường nhưng em bị mất tờ đó rồi ạ.
Mong nhận được sự giúp đỡ, tư vấn của BS. Em xin cảm ơn!
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào bạn Quốc Nam,
Bình
thường một số người cũng có rất ít hồng cầu và đạm (protein) trong nước
tiểu. Theo kết quả xét nghiệm của bạn gửi thì chưa thể khẳng định bạn
có bệnh thận hay không. Bạn nên đến các BV làm thêm xét nghiệm cặn nước
tiểu và đạm niệu 24h. Sau khi có kết quả, bạn nên gặp BS chuyên khoa Nội
thận để tư vấn tiếp cho bạn.
Xét nghiệm cặn
nước tiểu và đạm niệu 24h là 2 xét nghiệm riêng biệt. Bạn có thể đến BV
gặp BS để đề nghị được làm 2 xét nghiệm này (bệnh nhân không cần nhập
viện, các kỹ thuật viên tại phòng xét nghiệm sẽ hướng dẫn bạn cách lấy
nước tiểu để làm xét nghiệm này).
- FB Thu Liễu
Xin chào BS Lộc,
BS
cho em hỏi, trước khi tiêm ngừa thủy đậu có cần làm xét nghiệm không?
Vì em không nhớ là trước đây em chích ngừa mũi này chưa. Và có phải là
nếu đã bị thủy đậu rồi thì việc chích ngừa không còn ý nghĩa nữa, đúng
không ạ? Em cảm ơn BS!
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào bạn Thu Liễu,
Bạn
không cần xét nghiệm trước khi chích ngừa thủy đậu. Nếu từng bị thủy
đậu rồi thì bạn đã được miễn dịch suốt đời, không cần chích ngừa nữa.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể chích ngừa nếu quá lo lắng.
- FB Shi. P.
Chào BS,
Cho
em hỏi, dưới cổ em thấy có hạch nổi ngay chính giữa (ở 2 bên cổ trái
phải cũng có) em có đi chọc sinh thiết hạch để kiểm tra và được chẩn
đoán là không sao.
Nhưng
em vẫn rất lo lắng vì tự dưng có 1 cục hạch nổi giữa cổ mỗi khi bị viêm
nhiễm ở lợi là hạch hay sưng và đau, em cần phải làm thêm xét nghiệm
gì, thưa BS?
Và
cho em hỏi, sau khi chọc sinh thiết hạch thì chỗ hạch bị chọc sinh
thiết có để lại xơ (thẹo) gì không ạ? (Em có tiền sử bị xoang, viêm mũi
dị ứng).
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào em,
Theo
như em mô tả, em nên đến khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt để tìm các bệnh
lí trong khoang miệng, là một trong những nguyên nhân gây nổi hạch trước
cổ của em.
Việc chọc hạch không để lại sẹo vì BS dùng kim rất nhỏ.
- FB N. Duyen
Thưa BS,
Khi đi xét nghiệm tôi bị viêm gan C nhưng ở dưới ngưỡng xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm nhiều lần sau 2 năm vẫn y như vậy.
Xin
BS cho biết nếu vợ chồng quan hệ với nhau có cần phải dùng các thủ
thuật để phòng ngừa không và virus C có phát triển và lây bệnh cho vợ
không? Xin BS cho biết. Cám ơn BS.
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào bạn,
Kết
quả viêm gan C dưới ngưỡng xét nghiệm chỉ có ý nghĩa trong điều trị.
Còn về việc phòng tránh, do virus viêm gan C có thể lây qua đường tình
dục nên tốt nhất bạn nên sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ.
- FB Trần Xuân N.
Chào BS ạ,
Cho
em hỏi vợ sắp cưới của em bị thalassemia. Vậy muốn có con thì vợ chồng
em nên khám và xét nghiệm những gì để chuẩn bị có con ạ? Rất mong được
BS tư vấn, cảm ơn BS ạ!
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào em,
Vợ
chồng em nên đến BV xét nghiệm xem vợ em có bị thiếu máu nặng hay
không. Mục đích của việc này là để vợ em có thể mang thai an toàn.
Trường
hợp em (chồng) cũng có thiếu máu, tốt nhất em nên gặp BS chuyên khoa
Huyết học để đánh giá tình trạng thiếu máu này có liên quan đến bệnh
thalassemia hay không (bởi vì nếu cả vợ lẫn chồng đều bị thalassemia thì
có thể di truyền cho con).
- FB Hồng L.
Dạ thưa BS,
Con có 2 câu hỏi rất mong được BS tư vấn.
Mẹ
con năm nay 60 tuổi và mẹ con muốn chích ngừa viêm gan siêu vi B. Vậy
thì sau khi mẹ con xét nghiệm viêm gan B xong (chưa có kết quả) thì mẹ
con có thể chích ngừa bệnh khác (ví dụ: chích ngừa bạch hầu, uốn ván, ho
gà) liền được hay không, thưa BS?
Dạ
câu thứ 2 là nếu có thể chích liền được mũi khác trong ngày xét nghiệm
thì sang ngày hôm sau khi đã có kết quả xét nghiệm là dương tính thì mẹ
con có thể chích ngừa viêm gan B luôn được không?
Con xin chân thành cám ơn BS.
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào con,
Mẹ
con không cần chích ngừa bạch hầu - ho gà vì bệnh này rất hiếm gặp ở
người lớn. Riêng trường hợp chích ngừa uốn ván cũng không thật sự cần
thiết.
Con nói xét nghiệm viêm gan nhưng không
rõ là xét nghiệm gì. Thông thường trước khi chích ngừa viêm gan B, cần
làm xét nghiệm định lượng kháng thể viêm gan B (antiHBs). Nếu mẹ con làm
xét nghiệm này có kết quả > 100UI/ml thì mẹ con không cần chích
ngừa.
- FB Q. Nguyen
BS ơi cho em hỏi,
Em bị nhiễm trùng đường tiểu có Leu, NIT và Blood dương tính.
Cấy nước tiểu có enterobacter sp, nhạy cảm với Amox/Cla.acid.
Điều trị với Amoxicilline 250mg +acid clavulanic 31, 25mg (1 viên x 3) tổng liều 21 viên.
Như vậy uống hết thuốc bao lâu thì em xét nghiệm lại nước tiểu? Xin cám ơn rất nhiều!
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào bạn,
Thông
thường thì 2 sau tuần bạn nên tái khám với BS chuyên khoa Nội thận để
đánh giá tình trạng nhiễm trùng tiểu của bạn, việc xét nghiệm lại hay
không sẽ do BS chỉ định cho bạn nhé.
- FB Le Minh T.
Chào BS,
Em thường hay bị ngứa, hay bị nổi mẩn đỏ. Xét nghiệm chức năng gan bình thường.
BS vui lòng xem kết quả xét nghiệm này giúp em (file hình ảnh).
Với kết quả như vậy em có bị nhiễm ký sinh trùng không vậy BS? Em xin cảm ơn BS nhiều.
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào em,
Triệu chứng ngứa hay bị nổi mẩn có thể liên quan đến tình trạng nhiễm kí sinh trùng.
Các
kết quả xét nghiệm kí sinh trùng em gửi chưa khẳng định chắc chắn (còn
nghi ngờ), do đó em nên làm lại xét nghiệm này trong thời gian từ 1-3
tháng tới.
- FB Phong Phu
Chào BS,
Em
25 tuổi. Cách đây 3 ngày em có thử máu tổng quát. Trước đó 1 ngày, em
ăn khá nhiều (ngoài 3 bữa chính, em ăn bánh kẹo, trái cây và uống nước
mía).
Do bị khó tiêu nên 2g sáng mới ngủ được. Hôm sau 8g sáng em lấy máu thử.
Kết quả xét nghiệm ngày của em là đường huyết 196mg/dL, chỉ số HbA1C là 5,8% , chỉ số Triglyceride là >1000mg/dL.
BS
khám cho em ghi vào toa là em bị tiểu đường type 2, cho em thuốc mỡ
trong máu và thuốc tiểu đường. Nhưng khi về em không uống thuốc tiểu
đường mà chỉ uống thuốc mỡ trong máu.
Sáng ngày hôm sau em đến BV khác thử máu lại (lần 2) lúc 8g thì đường huyết của em là 95,4mg/dL.
Vẫn
chưa yên tâm, sáng hôm sau nữa em dậy sớm và không ăn gì để lên trung
tâm Hòa Hảo thử lại (lần 3) lúc 6g, em lấy máu thì kết quả đường huyết
của em là 100,44mg/dL còn chỉ số HbA1C là 6,19%.
Thưa
BS, với những chỉ số của 3 lần thử máu như vậy liệu em có bị đái tháo
đường type 2 hay mới chỉ ở mức tiền tiểu đường? Và việc thức khuya trước
khi xét nghiệm đường huyết có làm sai lệch kết quả không?
Em đang rất lo lắng, mong BS giải đáp giúp em!
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào em,
Xét
nghiệm HbA1C tại một thời điểm không bị ảnh hưởng bởi thức ăn trong
ngày. Kết quả xét nghiệm HbA1C em thực hiện lần 1 là 5,8% và lần 3 là
6,19%, có khả năng em bị tiền đái tháo đường.
Trước
mỗi khi xét nghiệm đường huyết em không nên ăn khuya và thức khuya để
đảm bảo kết quả xét nghiệm đường huyết sáng hôm sau chính xác hơn.
- FB Loc V. N.
Cháu chào BS Nguyễn Văn Lộc,
Cho cháu hỏi kết quả xét nghiệm của cháu (file hình ảnh).
Xét nghiệm thế này là cháu bị viêm gan B hay không ạ? Cháu cảm ơn BS!
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào cháu,
Theo
kết quả xét nghiệm của cháu, chỉ mới mang tính tầm soát viêm gan B.
Cháu nên làm thêm xét nghiệm tìm gen virus viêm gan B (HBV DNA) thì mới
biết chắc chắn cháu bị nhiễm viêm gan B hay không.
- FB Hồng Hoa
BS ơi,
Em
muốn đi xét nghiệm giun sán ở khoa Nhiệt đới BV Nhân Dân 115. Vậy em đi
buổi nào thì tốt nhất? Có cần nhịn ăn, uống gì không ạ? Em cám ơn BS!
ThS.BS Nguyễn Văn Lộc:
Chào bạn,
Nếu
làm xét nghiệm huyết thanh để tìm giun sán thì bạn nên nhịn đói trước
khi làm xét nghiệm và đi vào buổi sáng (ngoại trừ thứ 7 - chủ nhật).
Trang thiết bị kỹ thuật của khoa Xét nghiệm - BV Nhân Dân 115:
- Hệ thống Sinh hóa - Miễn dịch tự động: Architect SR4000
- Hệ thống xét nghiệm Sinh hóa tự động Beckman Coulter
- Hệ thống xét nghiệm Đông máu STA Revolution
- Dây chuyền lạnh cung cấp sản phẩm máu ...
|
Theo Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn