Chào BS,
Tôi bị tiểu đường típ 2 và thường hay ngủ gật. Việc này làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi cách khắc phục như thế nào? Chân thành cảm ơn bác sĩ!
ThS.BS Võ Tuấn Khoa - khoa Nội tiết, BV Nhân Dân 115
Kính chào bác Hoàng,
Cơ thể chúng ta cần giấc ngủ để duy trì chức năng và sức khỏe phù hợp. Trong thực tế, giấc ngủ được “lập trình” mỗi đêm như là phương thức để phục hồi sức khỏe và tâm trí của chúng ta. Có hai hệ thống tương tác nhau trong cơ thể mỗi người - đồng hồ sinh học và bộ điều chỉnh chu kỳ thức-ngủ - giúp xác định phần lớn thời gian chuyển tiếp từ trạng thái tỉnh táo đi đến giấc ngủ và ngược lại. Những yếu tố này giải thích trong trường hợp bình thường, chúng ta thường thức vào ban ngày và ngủ vào ban đêm.
Giấc ngủ con người là một trạng thái tự nhiên của ý thức và cơ thể, với những đặc trưng sau:
- Là khoảng thời gian tạm thời cơ thể giảm hoạt động
- Có liên hệ với tư thế điển hình chẳng hạn như nằm ngửa và nhắm hai mắt lại
- Làm giảm đáp ứng của cơ thể với các kích thích từ môi trường xung quanh
- Cũng là một trạng thái tương đối dễ đảo ngược nghĩa là người đang ngủ có thể nhanh chóng thức dậy bởi các kích thích bên ngoài, đây là cơ chế tự vệ của cơ thể. Đặc tính này giúp phân biệt với trạng thái hôn mê.
Cơ thể chúng ta điều hòa giấc ngủ theo cách thức giống như điều hòa các chức năng như hô hấp, tuần hoàn hay tiêu hóa. Điều này cho thấy giấc ngủ có vai trò quan trọng trong sức khỏe thể chất và tinh thần.
Tuy nhiên cần chú ý một số yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ như:
- Ánh đèn có thể gây tác động trực tiếp làm khó ngủ, hoặc gián tiếp lên điều chỉnh giờ của đồng hồ sinh học
- Làm ca đêm hay lệch múi giờ. Bình thường ánh sáng (ánh đèn) có nhiệm vụ thiết lập đồng hồ sinh học theo giờ giấc phù hợp nhưng vấn đề sẽ xảy ra khi chúng ta tiếp xúc liên tục với ánh sáng do làm việc ban đêm hay di chuyển qua nhiều múi giờ, khi đó có thể có hai biểu hiện: mất ngủ hoàn toàn hoặc ngủ li bì.
- Sự đau đớn, lo âu thường làm giấc ngủ không sâu
- Một số hóa chất như caffein, bia rượu hay các thuốc uống…
Trở lại trường hợp của bác than phiền về tình trạng ngủ gật ở người đái tháo đường, theo tôi cần xem xét một số khía cạnh sau đây:
- Có thể liên quan đến hạ đường huyết quá mức. Đường huyết (hay glucose huyết) là một chất năng lượng cần cho mọi cơ quan trong cơ thể, ưu tiên nhiều nhất tại não và tim. Ở người đái tháo đường, tình trạng hạ đường huyết quá mức rất thường hay xảy ra do nhiều nguyên nhân, khi đó có thể có nhiều biểu hiện như run tay, hồi hộp, vã mồ hôi, mệt… nếu nặng có thể mơ ác mộng, ngủ gật, ngủ li bì, thậm chí hôn mê… Bác nhờ người nhà kiểm tra đường huyết lúc ngủ gật, nếu < 70 mg/dL (3.9 mmol/L) được xem là hạ đường huyết thì cần tham vấn và xử trí kịp thời.
- Tình trạng ngưng thở lúc ngủ thường gặp ở người thừa cân/béo phì cũng mà thừa cân/béo phì cũng hay gặp ở người đái tháo đường. Những người này thường ngáy rất to, giấc ngủ không sâu, sáng ngủ dậy thường không tỉnh hẳn giống như trạng thái ngủ gật (do thiếu oxy não tạm thời) sau đó mới tỉnh hẳn. Xác định ngưng thở lúc ngủ bằng cách đo sắc ký giấc ngủ để đếm các chu kỳ ngưng thở xảy ra.
- Ngủ gật do tác dụng phụ của một số thuốc điều trị biến chứng viêm đa dây thần kinh ở người đái tháo đường như amitryptilin, gabapantin, prebagalin.
- Ban đêm không ngủ đủ giấc thì ban ngày thường ngủ gật
Trong thời gian chờ xác định và điều chỉnh nguyên nhân gây ngủ gật, bác nên thận trọng trong việc điều khiển xe cộ hay vận hành máy móc nếu có.
Trân trọng,
Trích nội dung chương trình Tư vấn trực tuyến
thực hiện bởi trang tin AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân Dân 115