Cập nhật điều trị rung nhĩ theo ESC 2024: Những thay đổi quan trọng

Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, làm tăng nguy cơ nhập viện, suy tim, suy giảm nhận thức và tử vong. Đây là nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ thiếu máu cục bộ do biến chứng thuyên tắc huyết khối và có thể phòng ngừa biến chứng này nếu được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối có thể được thực hiện bằng thang điểm CHA2DS2-VA (thay thế thang điểm CHA2DS2-VASc) để quyết định sử dụng thuốc kháng đông cho người bệnh.

Ảnh: Nguồn intetnet

Các công nghệ mới (trong đó có đồng hồ thông minh) đã giúp cải thiện khả năng phát hiện rung nhĩ, nhưng để chẩn đoán chính xác cần phải ghi điện tâm đồ (ECG). Bên cạnh đó kiểm soát các yếu tố nguy cơ và bệnh đồng mắc là rất quan trọng để phòng ngừa Rung nhĩ.

Ước tính có khoảng 60 triệu người mắc Rung nhĩ trên toàn cầu vào năm 2019. Do dân số ngày càng già đi và các yếu tố nguy cơ gia tăng, tỷ lệ mắc Rung nhĩ dự kiến sẽ tăng gấp đôi mỗi 20 năm. Khoảng một phần ba dân số sẽ gặp phải ít nhất một cơn rung nhĩ trong suốt cuộc đời.

Rung nhĩ có tác động đáng kể đến chăm sóc y tế nói chung do làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng tỷ lệ nhập viện, tăng nguy cơ các bệnh lý thuyên tắc huyết khối (đặc biệt là đột quỵ), suy tim, suy giảm nhận thức và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Hướng dẫn năm 2024 của Hội Tim mạch Châu Âu (ESC) đã đưa ra những cập nhật quan trọng trong quản lý và điều trị rung nhĩ, thay đổi từ mô hình CC-ABC sang AF-CARE, tối ưu hóa chiến lược điều trị chống đông, kiểm soát nhịp/tần số, và quản lý các yếu tố nguy cơ, bệnh đồng mắc. Bài viết này phân tích những thay đổi chính và ý nghĩa của chúng trong thực hành lâm sàng.

1. Chuyển đổi mô hình quản lý: Từ CC-ABC sang AF-CARE

Trước đây, ESC sử dụng mô hình CC-ABC để hướng dẫn điều trị rung nhĩ, trong đó tập trung vào ba yếu tố chính:

• Kiểm soát các bệnh đồng mắc và yếu tố nguy cơ (C).

• Phòng ngừa thuyên tắc huyết khối để giảm nguy cơ đột quỵ (A).

• Kiểm soát triệu chứng bằng kiểm soát nhịp hoặc tần số (B).

Năm 2024, ESC giới thiệu mô hình AF-CARE, nhấn mạnh một cách tiếp cận toàn diện hơn:

• Quản lý yếu tố nguy cơ và bệnh đồng mắc (C).

• Phòng tránh đột quỵ và thuyên tắc huyết khối (A).

• Giảm triệu chứng bằng cách kiểm soát tần số hoặc kiểm soát nhịp (R).

• Đánh giá lại định kỳ (E).

Mô hình mới nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý bệnh đồng mắc và yếu tố nguy cơ, điều trị toàn diện hơn thay vì chỉ tập trung vào kiểm soát nhịp và chống đông.

Hình ảnh: CT -scan não một trường hợp đột quỵ do thuyên tắc huyết khối ở người bệnh rung nhĩ

2. Chẩn đoán rung nhĩ: Những thay đổi quan trọng

• Trước đây, rung nhĩ chỉ được chẩn đoán khi có bằng chứng trên điện tâm đồ kéo dài ít nhất 30 giây.

• Nay, ESC 2024 cho phép chẩn đoán rung nhĩ khi phát hiện trên điện tâm đồ một hoặc nhiều chuyển đạo, ngay cả khi không kéo dài 30 giây.

Hình ảnh: Điện tim đồ rung nhĩ

Sự thay đổi này giúp phát hiện rung nhĩ sớm hơn, đặc biệt là ở những người bệnh có triệu chứng không điển hình hoặc rung nhĩ cơn thoáng qua.

3. Thay đổi thang điểm đánh giá nguy cơ đột quỵ: Loại bỏ yếu tố giới tính

Thang điểm CHA₂-DS₂-VASc trước đây tính thêm 1 điểm cho người bệnh nữ, khiến bảng điểm trở nên phức tạp và dễ hiểu lầm. Tuy nhiên, ESC 2024 thay đổi thành thang điểm CHA₂DS₂-VA, loại bỏ yếu tố giới tính nữ khỏi hệ thống đánh giá nguy cơ.

Điều này giúp tránh việc hiểu lầm, dẫn đến chỉ định thuốc kháng đông không cần thiết cho phụ nữ chỉ vì giới tính, đồng thời đảm bảo điều trị dựa trên nguy cơ thực sự.

4. Kiểm soát nhịp và tần số: Cách tiếp cận cá nhân hóa hơn

Kiểm soát tần số

  •  Người bệnh có chức năng thất trái (LVEF) > 40%: Thuốc chẹn beta, diltiazem, verapamil hoặc digoxin là lựa chọn đầu tay.

• Người bệnh có chức năng thất trái (LVEF)  ≤ 40%: Chẹn beta và/hoặc digoxin được ưu tiên.

Kiểm soát nhịp

• Chuyển nhịp (sốc điện hoặc thuốc) được khuyến cáo cho người bệnh rung nhĩ có triệu chứng dai dẳng.

• Triệt đốt qua ống thông (catheter ablation) được ưu tiên hơn so với trước đây, đặc biệt là ở người bệnh có triệu chứng nặng hoặc rung nhĩ khởi phát sớm.

Sự thay đổi này phản ánh xu hướng điều trị cá nhân hóa, tập trung vào việc giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng sống.

5. Điều trị chống đông: Tập trung vào nhóm nguy cơ cao

ESC 2024 tiếp tục khuyến cáo sử dụng thuốc chống đông đường uống (OAC) ở người bệnh rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao. Một số điểm đáng chú ý:

• Người bệnh rung nhĩ kèm bệnh cơ tim phì đại hoặc amyloidosis tim được khuyến cáo dùng thuốc chống đông bất kể điểm số CHA₂DS₂-VA.

• Khuyến khích đánh giá lại nguy cơ đột quỵ thường xuyên để đảm bảo điều trị phù hợp.

Các thuốc kháng đông tác dụng trực tiếp (NOACs) tiếp tục là lựa chọn ưu tiên do hiệu quả và tính an toàn cao hơn.

6. Quản lý các yếu tố nguy cơ: Chìa khóa giảm biến chứng

• ESC 2024 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì và ngưng thở khi ngủ để giảm tái phát và tiến triển rung nhĩ.

• Người bệnh rung nhĩ được khuyến cáo tập thể dục điều độ và duy trì cân nặng hợp lý.

Sự thay đổi này phù hợp với các nghiên cứu gần đây, cho thấy việc kiểm soát yếu tố nguy cơ có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện và biến chứng do rung nhĩ.

7. Chuyển nhịp và kiểm soát nhịp trong các tình huống đặc biệt

Người bệnh không ổn định huyết động

• Sốc điện chuyển nhịp ngay lập tức được khuyến cáo để cải thiện tiên lượng.

Phụ nữ mang thai

• Chẹn beta-1 chọn lọc (ngoại trừ atenolol) được khuyến cáo để kiểm soát nhịp tim.

Những cập nhật này giúp cá nhân hóa điều trị, đặc biệt ở các nhóm người bệnh có nguy cơ cao hoặc cần quản lý đặc biệt.

8. Can thiệp bít tiểu nhĩ trái: Khi nào nên cân nhắc?

• Bít tiểu nhĩ trái qua da có thể được xem xét ở người bệnh có chống chỉ định với điều trị chống đông lâu dài để phòng ngừa đột quỵ.

• Kỹ thuật này có thể là lựa chọn thay thế cho nhóm người bệnh cao tuổi, có nguy cơ chảy máu cao hoặc có bệnh lý mạch máu đi kèm.

Kết luận

Hướng dẫn ESC 2024 mang lại những thay đổi quan trọng trong quản lý rung nhĩ, tập trung vào:

Mô hình AF-CARE, nhấn mạnh quản lý yếu tố nguy cơ và bệnh đồng mắc.

Thay đổi thang điểm CHA₂DS₂-VA, loại bỏ yếu tố giới tính nữ trong bảng điểm.

Điều trị cá nhân hóa, tối ưu kiểm soát nhịp và tần số.

Sử dụng thuốc kháng đông hợp lý, tránh kê đơn không cần thiết.

Những thay đổi này giúp cải thiện tiên lượng người bệnh, giảm nguy cơ đột quỵ và biến chứng tim mạch, đồng thời cá nhân hóa điều trị để nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. 2024 ESC Guidelines for the management of atrial fibrillation. European Heart Journal. 
  2. Essential Messages from ESC Guidelines: Atrial Fibrillation 2024. 
  3. CHADS-VASc Score. 
  4. 2024 ESC Guidelines for Management of Atrial Fibrillation: Key Points. 
  5. Spotlight on the 2024 ESC/EACTS management of atrial fibrillation guidelines. 
  6. 2024 ESC Atrial Fibrillation Guidelines: A Moving Goalpost. 

 

 

BS Phạm Trung Kiên, Khoa khám và điều trị theo yêu cầu 

Nội soi viên nang tích hợp trí thông minh nhân tạo ở bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nghi từ ruột non: Báo cáo hàng loạt ca
Phụ lục cập nhật quy trình kỹ thuật chăm sóc người bệnh
Khuyến cáo của Hội Tim mạch học Việt Nam về điều trị rối loạn lipid máu (2024)
Khảo sát giá trị Peptest ở bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản tại Bệnh viện Nhân dân 115
Social Zalo Zalo Social Facebook Facebook Social Youtube Youtube