Vừa qua Bệnh viện Nhân dân 115 đã tiếp nhận và điều trị thành công 1 trường hợp nam, 51 tuổi vì ngất tái phát. Người bệnh mô tả thường có các cơn choáng váng thoáng qua trước đây. Tuy nhiên trong vòng 3 tháng qua xuất hiện đến 4 cơn đột ngột choáng váng, tối sầm và sau đó mất ý thức hoàn toàn kéo dài trong vòng 1 phút theo mô tả của người bệnh và thân nhân.
Trong đó, lần gần nhất xuất hiện sau khi người bệnh đi vệ sinh và có té ngã va đập đầu. Sau khi thực hiện nhiều cận lâm sàng tầm soát ban đầu nhưng vẫn chưa phát hiện bất thường, người bệnh được tư vấn thực hiện nghiệm pháp bàn nghiêng. Trong quá trình thực hiện người bệnh xuất hiện cơn ngất do nhịp tim chậm.
Sau đó người bệnh được nhanh chóng cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn 2 buồng có chức năng CLS (Closed Loop Stimulation). Người bệnh xuất viện và chưa xuất hiện cơn ngất tái phát nào qua các lần tái khám, kiểm tra định kì nhịp tim và các thông số hoạt động máy tạo nhịp vĩnh viễn ổn định.
Hình: điện tâm đồ
Nghiệm pháp bàn nghiêng là một trong những phương pháp hỗ trợ xác định nguyên nhân gây ngất. Trong nghiệm pháp bàn nghiêng, người bệnh sẽ được cố định an toàn trên một loại bàn đặc biệt thiết kế riêng để thực hiện nghiệm pháp. Người bệnh sẽ được theo dõi điện tâm đồ, huyết áp, tri giác liên tục trong quá trình nghiêng bàn. Trước khi thực hiện người bệnh sẽ được thăm khám và tư vấn về chỉ định, phương pháp thực hiện, một số nguy cơ có thể xảy ra cũng như vai trò của nghiệm pháp.
Hình ảnh bàn nghiêng tầm soát nguyên nhân ngất
Hình ảnh XQ người bệnh đã được cấy máy tạo nhịp 2 buồng
Ngất là một tình trạng khá phổ biến, một số tình huống ngất tiềm ẩn nguy cơ cao có thể gây chấn thương nặng dẫn đến tàn phế hoặc thậm chí có nguy cơ đột tử. Do đó khi người bệnh có triệu chứng bất thường như say sẫm, choáng váng, ngất nên đi khám ở các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và tầm soát toàn diện các nguyên nhân và được hướng dẫn, điều trị kịp thời.
BS.CKI Phùng Huy Hoàng